Doanh nghiệp chủ động nâng cao năng lực ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại

Tỷ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng thương mại mạnh mẽ những năm gần đây, số lượng các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng gia tăng nhanh chóng.

Nguy cơ bị áp dụng biện pháp PVTM đối với hàng xuất khẩu vẫn rất lớn

Nguy cơ cao

Theo thống kê của Cục PVTM (Bộ Công Thương), nếu giai đoạn trước năm 2005 mới có 22 vụ việc thì giai đoạn  2011 – 2015 con số này đã tăng lên 53 vụ và đến thời điểm hiện tại là 208 vụ. Sở dĩ số lượng các vụ việc chống lẩn tránh nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam ngày càng tăng cao là do một số nước cáo buộc hàng hóa từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính (thép, nhôm, thậm chí là tôm) được nhập khẩu từ những khu vực đang bị họ áp dụng biện pháp PVTM. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã tạo ra sức ép cạnh tranh rất lớn tại thị trường các nước nhập khẩu, đã khiến ngành sản xuất các nước này đề nghị chính phủ điều tra áp dụng các biện pháp PVTM.

Xoay quanh vấn đề này, ông Lê Triệu Dũng – Cục trưởng Cục PVTM cho biết trong bối cảnh hoạt động sản xuất và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có sự tăng trưởng vượt bậc thì việc đối mặt với nhiều vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp PVTM là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên việc bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM sẽ làm xấu đi hình ảnh, vị thế của hàng Việt cũng cũng như ngành sản xuất trong nước. Hơn nữa hàng hóa xuất khẩu bị áp dụng thuế PVTM ở mức cao sẽ suy giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu.

Để hạn chế nguy cơ vướng phải các vụ điều tra, áp dụng biện pháp PVTM, yêu cầu đặt ra lúc này là Việt Nam cần nâng cao năng lực về PVTM cho doanh nghiệp, cần sử dụng tốt các công cụ PVTM hợp pháp được tổ chức thương mại thế giới cho phép. Bên cạnh sự hỗ trợ tích cực của cơ quan quản lý thì sự chủ động ứng phó của doanh nghiệp cũng là yếu tố mang tính quyết định.

Theo Cục PVTM, mặc dù thời gian qua thông tin, kiến thức về PVTM của doanh nghiệp đã được cải thiện đáng kể; doanh nghiệp dần tích lũy được kinh nghiệm ứng phó với các vụ việc phức tạp song nếu so với xu hướng sử dụng PVTM thì năng lực ứng phó của doanh nghiệp trong nước vẫn còn rất hạn chế. Chính vì vậy nguy cơ  hàng Việt bị điều tra, áp dụng dụng biện pháp PVTM vẫn rất lớn, nhất là trong giai đoạn nền kinh tế thực hiện các cam kết FTA.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), bất cập hiện nay là doanh nghiệp vẫn chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt kiến thức, kỹ thuật, nguồn lực….để kháng kiện hiệu quả. Chưa kể quá trình ứng phó các vụ kiện, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cũng phải đối mặt với rất nhiều bất lợi khác về ngôn ngữ, pháp lý, văn hóa….

Khuyến nghị cho doanh nghiệp

Cục trưởng Lê Triệu Dũng cho biết để giúp doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với các vụ việc PVTM, thời gian qua Cục PVTM luôn duy trì các kênh liên lạc với cơ quan điều tra PVTM của nhiều nước, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, hiệp hội và doanh nghiệp để kịp thời cập nhật các vụ việc PVTM; xây dựng hệ thống cảnh báo sớm nhiều ngành hàng, sản phẩm có nguy cơ bị kiện PVTM tại nhiều thị trường khác nhau để doanh nghiệp quan tâm có thể thường xuyên theo dõi. Bên cạnh đó Cục còn thường xuyên lồng ghép, đưa các nội dung đào tạo, tập huấn vào các hoạt động của ngành Công Thương nhằm nâng cao nhận thức, chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả hơn với các vụ kiện PVTM cho doanh nghiệp. Các hoạt động cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức cho các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp đã được triển khai thường xuyên, rộng khắp.

Thời gian tới, thách thức với xuất khẩu của Việt Nam còn rất lớn, nhất là khi nước ta chưa giành được thế chủ động trong xuất khẩu hàng hóa cả về thị trường, sản phẩm lẫn công nghệ sản xuất. Trong bối cảnh đó, để tránh các rủi ro về kiện PVTM, ông Dũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần chú trọng cải thiện năng lực ứng phó, nâng cao kiến thức, sự hiểu biết về PVTM. Trước khi vụ việc xảy ra, doanh nghiệp phải trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật, quy định PVTM trong các FTA giữa Việt Nam và các đối tác để nắm rõ các nghĩa vụ và quyền lợi; dự trù thuê luật sư khi cần thiết; xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, hiện đại, lưu trữ hồ sơ, sổ sách đầy đủ và rõ ràng.

Trong trường hợp có vụ kiện PVTM xảy ra, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động tham gia, xử lý, hợp tác toàn diện với cơ quan điều tra để tránh bị áp dụng những thông tin bất lợi cũng như tránh việc bị cơ quan điều tra nước ngoài sử dụng các dữ liệu sẵn có khi đánh giá, phân tích trong kết luận vụ việc.

Doanh nghiệp cũng cần phối hợp chặt chẽ với Chính phủ để được hỗ trợ kịp thời. trong quá trình trả lời câu hỏi điều tra, doanh nghiệp cần thông tin về cơ cấu, tổ chức của mình; cũng như thông tin về các chủng loại sản phẩm sản xuất; dữ liệu về tình hình hoạt động kinh doanh, bán hàng trong nước với sản phẩm bị điều tra, chi phí sản xuất, bán hàng, quản lý…

Thế Trọng