Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế: Cần quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, diện bao phủ đủ rộng…
Đến thời điểm hiện tại, quy mô gói hỗ trợ phục hồi kinh tế vẫn chưa được quyết định song theo các chuyên gia, gói hỗ trợ phải có quy mô đủ lớn, thời gian triển khai đủ dài để có thể vực dậy cho nền kinh tế vốn đã quá suy kiệt trong đại dịch….

Trong 2 năm hoành hành, dịch bệnh Covid-19 đã gây ra những tác động vô cùng nghiêm trọng tới nền kinh tế Việt Nam, nhất là đợt tái bùng phát dịch lần thứ 4. Tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm từ mức trung bình 6-7%/năm xuống còn 2,91% năm 2020 và có thể tiếp tục giảm xuống 1,5-2% trong cả năm 2021. Số doanh nghiệp phá sản, số lao động thất nghiệp, những thiệt hại của nền kinh tế…là vô cùng lớn
TS. Nguyễn Đình Cung – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng công cuộc kiểm soát dịch bệnh có ảnh hưởng rất lớn đến triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2022. Với việc chuyển đổi từ trạng thái “Zero Covid” sang thích ứng và sống chung với Covid, Hà Nội, Tp.HCM và một số tỉnh, thành trong cả nước cũng đã dần quay trở lại trạng thái “bình thường mới”. Tuy nhiên mỗi địa phương lại ban hành các quy định chống dịch khác nhau khiến doanh nghiệp không khỏi hoang man, từ đó càng dè dặt trong việc triển khai các kế hoạch đầu tư và sản xuất kinh doanh.
Theo nguyên Viện trưởng CIEM, hiện phần chi của ngân sách là quá ít, không thể bù đắp cho sự suy giảm nghiêm trọng tổng cầu của nền kinh tế. Hiệu lực của gói hỗ trợ là quá nhỏ so với thiệt hại của doanh nghiệp hay so với chuẩn quốc tế. Chính vì vậy để có thể vực dậy nền kinh tế trong tương lai, trước mắt là hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 6-6,5% cần có gói hỗ trợ phục hồi kinh tế quy mô đủ lớn, đủ dài, trong đó ít nhất 1% GDP là tiền mặt. “Điều cần thiết lúc này là phải nhanh chóng thiết kế các chương trình phục hồi kinh tế và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Chương trình này có thể thay thế hoặc bổ sung cho Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025. Nguồn lực cho sự phát triển giai đoạn mới cũng cần phải thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới” – TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Cũng xoay quanh vấn đề xây dựng chương trình phục hồi kinh tế, TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh lưu ý gói hỗ trợ phục hồi kinh tế quy mô phải đủ lớn, diện bao phủ phải đủ rộng và cần tập trung vào một số ngành, lĩnh vực trọng điểm (có thể xác định dựa vào những đóng góp, mức độ thiệt hại cũng như là sự lan tỏa khi phục hồi của ngành đó đối với tăng trưởng của nền kinh tế). Còn về mặt thời gian, yêu cầu đặt ra là thời gian triển khai chương trình phục hồi kinh tế cũng phải đủ dài (trong khoảng 2 năm, từ năm 2022 đến năm 2023) mới đảm bảo hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi được.
Về nguồn lực để huy động cho chương trình phục hồi kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng nguồn lực này là từ tăng chi, bội chi ngân sách và vay; tiết kiệm chi thường xuyên; sử dụng một phần nào đó từ dự trữ ngoại hối; tạo nguồn lực qua cải cách thủ tục phải cắt giảm chi phí giao dịch cho doanh nghiệp. “Chúng ta sẽ có thêm 7 tỷ USD nếu chấp nhận thâm hụt ngân sách thêm 2% (từ 4 – 6%). Bên cạnh vay mượn trong nước, tổ chức quốc tế, chúng ta cũng có những cách kĩ thuật để sử dụng một phần nào đó của dự trữ ngoại tệ” – TS. Võ Trí Thành góp ý.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực, nguồn lực cho chương trình phục hồi kinh tế có thể huy động từ việc đẩy nhanh cơ cấu lại và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (nếu làm tốt, mỗi năm nhà nước có thể thu về 40.000 tỷ đồng); nguồn lực từ khối tư nhân; nguồn lực từ các quỹ ngoài ngân sách… Trong quá trình chờ các gói hỗ trợ mới giải ngân, cũng cần phải thực hiện tốt các gói hỗ trợ hiện tại để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, giảm áp lực cho nền kinh tế.
Đồng ý với quan điểm này, TS. Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng cần mạnh dạn sử dụng công cụ tài khóa, chấp nhận bội chi ngân sách cao hơn. Trước hết, để tăng tổng cầu những gì ngân sách đã dự chi phải gấp rút giải ngân; chỗ nào không chi được thu lại, giao cho những dự án làm tốt. Cần hành động nhanh, chi tiêu nhiều, đừng quá nặng nề về thủ tục, miễn là chi tiêu có hiệu quả để nhanh chóng phục hồi tăng trưởng.
TS. Nguyễn Đình Cung cũng khuyến nghị trong quá trình triển khai chương trình phục hồi kinh tế đừng quá cầu toàn mà hãy lấy kết quả tổng thể cuối cùng để đánh giá. Phải chấp nhận có thể “sai” ở mức độ nhất định, chỉ nên tập trung ngăn chặn “phạm”. Cần lường trước một số rủi ro như thế và chấp nhận. Đây chính là thời điểm thích hợp để cải cách thể chế “phi truyền thống”, làm cơ sở cho những đột phá về cải cách thể chế.
Huy Hùng