Liên minh taxi truyền thống việt ra đời để “quyết đấu” Grab
Với tham vọng lấy lại thị trường từ các ứng dụng đặt xe ngoại, thêm một liên minh taxi mới vừa ra đời với sự góp mặt của 17 công ty taxi trên cả nước.
Taxi Việt đang “bắt tay” nhau để cạnh tranh Grab. Điều này hứa hẹn sẽ tạo nên một thị trường vận tải sôi động
Từ đối đầu, kiện cáo sang “bắt tay” hành động
Trong cuộc đua với các công ty khởi nghiệp được đầu tư bởi những tập đoàn khổng lồ trên toàn cầu, các hãng taxi truyền thống đang dần trở nên “lép vế”. Tại Việt Nam, cuộc chiến giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ đã diễn ra hơn 3 năm nay và dường như ngày càng dữ dội hơn.
Năm 2016 – 2017, taxi truyền thống đối đầu gay gắt phản đối xe công nghệ bằng nhiều cách như treo băng rôn, biển hiệu, hoặc gửi đơn thư, văn bản kêu cứu, phản ánh tới Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải…Đỉnh điểm của cuộc chiến này, phải kể vụ việc Vinasun kiện Grab ra toà vì cho rằng Grab làm công ty bị thua lỗ. Dường như nhận thấy những hành động mang tính chất kiện cáo, đối đầu trên trên không mang lại kết quả. Trong thời gian gần đây, để đối đầu với Grab, thay vì việc kiện cáo, các hãng taxi Việt đã bắt tay lại cùng nhau, liên kết lại cùng nhau.
Ngày 14/8, đại diện G7 taxi và 3 hãng taxi Thành Công, Ba Sao, Sao Hà Nội đã đạt được thỏa thuận chung và tham gia ký kết hợp đồng hợp tác toàn diện, thành lập nên hãng G7 taxi.
Trong diễn biến mới nhất, 17 hãng taxi lớn đã “bắt tay” nhau, liên kết lại với nhau để tạo nên Liên minh taxi Việt. Liên minh taxi Việt có sự tham gia của nhiều hãng lớn như Thanh Nga, Vạn Xuân, Thăng Long, Sao Mai, Long Biên…Trong tháng 12, 2 hãng lớn là VIC, Open99 (thương hiệu mới của Mai Linh Đông Đô) sẽ gia nhập, đưa số lượng xe tại Hà Nội lên con số 4.000 xe. Hiện nay, liên minh này có 12.000 xe đang hoạt động.
Đại diện đơn liên minh taxi cho biết, hiện tại đơn vị này đã bao phủ 40 tỉnh thành trên cả nước và dự kiến trong năm 2019, liên minh đặt kế hoạch tăng độ phủ lên 63 tỉnh thành, đồng thời kết nạp thành viên để đạt số lượng trên 20.000 xe hoạt động.
Với sự bắt tay chặt chẽ của nhiều hãng taxi lớn, liên minh taxi Việt tin rằng họ sẽ tạo ra sức mạnh để cạnh tranh với hãng taxi công nghệ Grab.
Tới cuộc chiến mới trên thị trường vận tải
Trên thực tế, ngành công nghiệp taxi tại không chỉ Việt Nam mà toàn thế giới đang đối mặt với sự cạnh tranh của các công ty công nghệ cung cấp dịch vụ gọi xe như Uber, Grab, Didi Chuxing, Lyft,… Châu Âu và Nhật Bản có nhiều chính sách bảo vệ taxi truyền thống, trong khi nhiều quốc gia khác cho phép các công ty công nghệ cung cấp dịch vụ gọi xe kiểu mới.
Để cạnh tranh với gã “khổng lồ” Grab, Liên minh taxi Việt đã lựa chọn Emddi, ứng dụng do các nhà khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội nghiên cứu và phát triển. Theo đại diện của hãng, nền tảng công nghệ EMDDI không thua bất kỳ nền tảng công nghệ số nào.
Nhưng, vấn đề ở chỗ, hiện tại với nền tảng ứng dụng chưa thực sự phát triển và còn khá mới, taxi truyền thống vẫn đang loay hoay trong việc thu hút lại khách hàng. Nói như ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp Hội vận tải Hà Nội, trước khi có thương hiệu G7 taxi, hầu hết các hãng taxi Việt đều đã xây dựng phần mềm gọi xe thông minh để cạnh tranh với taxi công nghệ Grab. Tuy nhiên, do dịch vụ, cách thức hoạt động, đặc biệt là giá cước không có gì thay đổi nên hầu hết các phần mềm – App này rơi vào tình trạng chết yểu.
Vì vậy, sẽ không ngạc nhiên khi hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, việc tạo một ứng dụng gọi xe không khó bằng cung cấp chất lượng dịch vụ cho khách đi xe. Thái độ phục vụ của tài xế, minh bạch trong tính cước…mới là yếu tố cạnh tranh các hãng taxi cần trang bị để thu hút khách.
Minh Đường