Basel 2 – Bệ phóng vươn tầm quốc tế của hệ thống ngân hàng Việt

Mới đây Vietcombank và VIB đã chính thức được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận áp dụng các chuẩn mực Basel 2 trong hoạt động. Đây là hai ngân hàng đầu tiên của Việt Nam đáp ứng chuẩn mực này.

Cuối 2018, nhiều ngân hàng thương mại Việt Nam có thêm bước tiến mới về vốn điều lệ, chuẩn bị cho năm kinh doanh 2019 – Ảnh: Quang Phúc.

Được ban hành từ tháng 6/2004, Basel 2 là một cấp độ mới, cao hơn đối với các ngân hàng Việt Nam, theo tiêu chuẩn của hiệp ước vốn mà Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng thiết lập. Tuy không bắt buộc và có sự khác biệt nhất định trong việc áp dụng ở mỗi quốc gia, song tinh thần chung là khắt khe, chặt chẽ hơn trong giám sát an toàn hoạt động của các ngân hàng.

Từ năm 2014, sau khi đã đánh giá được năng lực thực tế của các ngân hàng Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định chọn 10 ngân hàng thương mại đầu tiên thực hiện thí điểm cho lộ trình áp dụng các chuẩn mực của Basel 2 (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, MB, Sacombank, Techcombank, ACB, VPBank, VIB và Maritime Bank) với kỳ vọng đến 2018 tất cả các ngân hàng này đều hoàn thành.

Sau khi được chọn, các ngân hàng đã chủ động thực hiện, triển khai. Tuy nhiên tính đến thời điểm này, trong 10 thành viên được chọn thí điểm mới chỉ có Vietcombank và VIB được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận áp dụng các chuẩn mực Basel 2 trong hoạt động. Hai ngân hàng tiên phong này đã tạo một tấm gương thực tế để các ngân hàng trong danh sách thí điểm Basel 2 nói riêng cũng như tất cả các ngân hàng còn lại nói chung nhanh chóng thực hiện các hành động để tuân thủ Basel 2.

Bên cạnh Vietcombank và VIB, ngân hàng OCB cũng khẳng định đã triển khai thành công Basel 2. Dù không phải là 10 ngân hàng đang áp dụng thí điểm tiêu chuẩn Basel 2 của Ngân hàng Nhà nước song OCB đã “về đích” ấn tượng ngay trong năm 2017. Việc triển khai Basel 2 thành công đã giúp OCB tối ưu hóa lợi nhuận bằng các chiến lược kinh doanh dựa vào mức độ rủi ro, phân bổ vốn hợp lý vào các đối tượng khách hàng và sản phẩm, thiết lập được danh mục đầu tư/tín dụng có mức lợi nhuận tối ưu. Nối bước OCB, mới đây VPBank cũng đã xúc tiến hồ sơ xin phép Ngân hàng Nhà nước áp dụng toàn phần tiêu chuẩn này.

Còn theo thông tin từ ông Nguyễn Lê Quốc Anh – Tổng Giám đốc Techcombank, sau khi thực thi xong mô hình Basel 2 vào cuối 2016, bắt đầu từ năm 2017 Techcombank đã vận hành theo các chuẩn mực Basel 2 và sẽ sớm trở thành ngân hàng thứ ba trong số 10 ngân hàng thí điểm được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận áp dụng các chuẩn mực Basel 2 trong hoạt động; sau Vietcombank và VIB.

Dù chưa chính thức song những năm gần đây một số ngân hàng thương mại Việt Nam cũng đã chuẩn bị và chủ động vận hành từng bước áp dụng Basel 2. Còn theo Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước, đến 2020 chuẩn mực này sẽ chính thức tạo phân biệt rõ ràng trong hệ thống. Với diễn biến trên, chính thức áp dụng thành công Basel 2 là chuyển động mới, tạo sự phân hóa mới trong hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam. Với 35 ngân hàng thương mại, hiện Việt Nam mới chính thức có hai thành viên nói trên tạo khác biệt. Dự kiến, ngay trong năm 2019 với những ứng viên như VPBank, Techcombank, sự phân hóa này sẽ tiếp tục mở rộng.

Theo ghi nhận của các chuyên gia tài chính, việc triển khai Basel 2 sẽ giúp ngân hàng hoạt động an toàn và lành mạnh hơn; nguồn vốn cũng được quản lý hiệu quả hơn góp phần mang lại kết quả kinh doanh khả quan và bền vững. Sau khi triển khai Basel 2 với các chỉ số vốn và các yêu cầu về thanh khoản, quản trị rủi ro đạt chuẩn quốc tế, hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ có cơ hội vươn lên những tầm cao mới.

Minh Đường