Doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức, có cách tiếp cận mới khi xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc
Tại Diễn đàn “Chia sẻ thông tin, thích ứng với quy định mới trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc (Lệnh 248 và Lệnh 249)” được tổ chức theo hình thức trực tuyến, các chuyên cảnh báo Trung Quốc đang siết chặt điều kiện nhập khẩu nông sản cũng như triển khai nhiều biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu, chính vì vậy các doanh nghiệp Việt phải đặc biệt lưu ý vấn đề an toàn thực phẩm, nông sản khi xuất khẩu vào thị trường này.
Các quy định nhập khẩu không ngừng tăng
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt- Cục phó Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), những năm qua đã có rất nhiều thay đổi trong việc quản lý an toàn thực phẩm và an toàn sinh học đối với thực phẩm và nông sản nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc. Không những vậy, Trung Quốc ngày càng kiểm soát chặt chẽ hơn hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là giao thương tiểu ngạch cũng như yêu cầu đàm phán mở cửa đối với từng loại sản phẩm.
Ngoài ra, phía Trung Quốc đang quản lý sản phẩm nhập khẩu theo hình thức nghị định thư và yêu cầu khai báo mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Vấn đề ở đây là danh mục sinh vật gây hại thực vật của Trung Quốc đưa ra có tới 500 loài, trong đó có nhiều loài sinh vật gây hại phổ biến trên các cây ăn quả tại Việt Nam; do đó các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý vấn đề này để thực hiện biện pháp loại bỏ trước khi xuất khẩu.
Cũng theo ông Huỳnh Tấn Đạt, phương thức đăng ký trực tuyến với Hải quan Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp không thể hoàn thiện được hồ sơ. Chưa kể thời gian đăng ký xuất khẩu trực tuyến lại rất ngắn, nếu không có hướng dẫn cụ thể thì doanh nghiệp sẽ không hoàn thành đúng thời hạn. “Để tháo gỡ nút thắt này, yêu cầu tiên quyết là phải xây dựng đội ngũ giảng viên ToT, sau đó đẩy mạnh triển khai chương trình xây dựng mã số vùng trồng và tổ chức các lớp tập huấn cho doanh nghiệp, địa phương. Ngoài ra các cơ quan chức năng liên quan cũng cần chủ động làm việc với quốc gia nhập khẩu để tìm giải pháp khắc phục khó khăn, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý và hoàn thiện các tiêu chuẩn Việt Nam về thiết lập và quản lý vùng trồng” – ông Đạt đề xuất.
Trong khuôn khổ chương trình, TS Lê Bá Anh – Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, thủy sản (Bộ NN&PTNT) thông tin đến nay Trung quốc đã công nhận danh sách 748 cơ sở chế biến thủy sản, 20 cơ sở xuất khẩu thủy sản sống (tôm sú, tôm thẻ, tôm hùm, cua) Việt Nam xuất khẩu vào thị trường tỷ dân; 48 loài thủy sản và 128 loại sản phẩm thủy sản được phép xuất khẩu vào nước này. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là Trung Quốc đang duy trì việc kiểm soát Covid-19 trên bao bì, phương tiện vận chuyển thủy sản đông lạnh, thủy sản sống. Điều này gây khó khăn rất nhiều cho các đơn vị xuất khẩu, vì phải mất một thời gian chờ tại cảng.
Cũng theo TS Lê Bá Anh, trong 2 năm 2020 – 2021, tốc độ kiểm tra, bổ sung danh sách doanh nghiệp rất chậm. Ở chiều ngược lại, cơ quan chức năng của Việt Nam cũng chậm bổ sung danh sách doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký xuất khẩu thủy sản vào Việt Nam để đảm bảo tính công bằng. “Thời gian gần đây số lô hàng thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc bị cảnh báo tăng khá nhanh. Đây là điều đáng lưu ý đối với các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, đặc biệt là các chỉ tiêu phụ gia thực phẩm, chỉ tiêu về bệnh thủy sản. Hiện chúng tôi đang đề nghị phía Trung Quốc bổ sung thêm 92 doanh nghiệp chế biến thủy sản đã đăng ký bổ sung đến thời điểm hiện nay vào danh sách theo quy định tại Lệnh 248” – Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, thủy sản thông tin thêm.
Cần sự chủ động, tích cực của doanh nghiệp
TS. Ngô Xuân Nam- Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết trong khoảng 3 năm trở lại đây, xuất khẩu nông sản Việt Nam vào Trung Quốc có xu hướng chững lại, một số mặt hàng trái cây, thủy sản sụt giảm đáng kể, nhất là trong 2 năm 2020 – 2021, một phần do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, một phần do Trung Quốc cũng gia tăng các quy định nhập khẩu. Theo thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc có tổng cộng 42 thông báo thay đổi liên quan tới an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, trong đó có 4 thông báo sửa đổi. Gần nhất, Bộ NN&PTNT, Ủy ban Y tế Quốc gia và Tổng cục Quản lý giám sát thị trường Trung Quốc thống nhất ban hành Tiêu chuẩn mới GB 2763-2021 về việc thay đổi mức dư lượng; trong đó quy định 10.092 mức giới hạn dư lượng tối đa với 564 loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục 376 thực phẩm. So với tiêu chuẩn GB2763-2019, số lượng loại thuốc bảo vệ thực vật trong tiêu chuẩn mới tăng 81 loại, tương đương tăng 16,7%; giới hạn dư lượng thuốc thuốc bảo vệ thực vật tăng 2.985 loại, tương đương tăng 42%.
Ngoài ra Trung Quốc cũng thiết lập 1.742 giới hạn dư lượng cho 87 loại thuốc bảo vệ thực vật chưa được đăng ký sử dụng tại quốc gia này. “Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Nước bạn đang gia tăng các quy định nhập khẩu, chính vì vậy các doanh nghiệp phải đặc biệt lưu ý vấn đề an toàn thực phẩm, nông sản khi xuất khẩu vào thị trường. Bản thân doanh nghiệp cũng cần thay đổi nhận thức, có cách tiếp cận mới hiệu quả trong xuất khẩu nông sản; đồng thời phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp để chuẩn bị tốt các điều kiện về vùng trồng, vùng nuôi; tăng cường công tác thanh kiểm tra cũng như nắm bắt thông tin thị trường xuất khẩu, thích ứng với quy định mới; qua đó đáp ứng hiệu quả các yêu cầu ngày càng cao của thị trường Trung Quốc” – TS. Ngô Xuân Nam khuyến nghị.
Còn về Lệnh 248 và Lệnh 249, ông Lê Thanh Hòa – Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết nếu xét về tổng thể thì hai lệnh này không tác động nhiều đến các doanh nghiệp nông nghiệp. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp không nên lơ là, chủ quan mà phải có những chính sách điều chỉnh sớm ngay từ bây giờ.
Có thể thấy Lệnh 248 chỉ yêu cầu đăng ký với những doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm vào Trung Quốc; còn với Lệnh 249, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm ngay cả khi sản phẩm đã xuất khẩu sang Trung Quốc. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải lựa chọn được những đối tác tin cậy nhằm đảm bảo việc lưu trữ hồ sơ (tối thiểu 6 tháng), bên cạnh các yếu tố như kho bãi, vận chuyển.
Ngoài ra các doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến các vấn đề về vệ sinh khi chế biến, đóng gói thực phẩm như: công nhân phải mang găng tay khi làm việc; có quy định rõ ràng với kho, nhà xưởng; chọn các nhà cung cấp nguyên liệu rõ ràng, minh bạch, có thể truy xuất được nguồn gốc. “Những yêu cầu từ phía Trung Quốc đang dần tiệm cận với những nước phát triển. Chính vì vậy để tránh tình trạng ngưng trệ trong xuất khẩu, doanh nghiệp cần lưu ý tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong Lệnh 248, 249. Ngoài ra các doanh nghiệp cần chú ý đến các quy định ghi nhãn mác sản phẩm, nông sản vào thị trường Trung Quốc… để tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại nông sản giữa hai quốc gia” – ông Hòa khuyến nghị
Quốc Danh