Gỡ “thẻ vàng”, giúp hải sản Việt rộng đường xuất khẩu sang EU
Kể từ sau khi Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với hải sản của Việt Nam về việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), các Bộ, ban ngành, cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, quyết tâm gỡ “thẻ vàng” của EC trong thời gian sớm nhất
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương, đến nay tình trạng vi phạm vùng biển các nước trong khu vực (Indonesia, Malaysia, Thái Lan…) của các tàu cá Việt Nam có xu hướng giảm dần. 8 tháng đầu năm 2021 chỉ xảy ra 43 vụ vi phạm, giảm 21 vụ so với cùng kỳ năm ngoái cũng phần nào cho thấy những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý tàu cá vi phạm.
Thống kê của Tổng cục Thủy sản – Bộ NN&PTNT cho thấy hiện cả nước có khoảng 27.716/30.615 tàu cá có độ dài từ 15m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt khoảng 90,5% tàu cá thuộc diện phải lắp đặt theo quy định; số tàu trên 24m cơ bản đã hoàn thành, nhiều địa phương đã hoàn thành 100% việc đôn đốc người dân lắp đặt thiết bị giám sát. Công tác kiểm tra, giám sát tàu cá và sản lượng hải sản bốc dỡ tại cảng cá cơ bản đã được kiểm soát theo quy định. Đặc biệt các lô hàng xuất khẩu vào EU theo yêu cầu đã được kiểm tra.
Đánh giá kết quả sau 4 năm khắc phục “thẻ vàng” IUU, ông Nguyễn Hoài Nam- Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết trong 4 năm qua, VASEP đã chủ động triển khai chương trình “Doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU” với 4 nhóm hoạt động chính: cam kết chống khai thác IUU; đề xuất, góp ý xây dựng các văn bản pháp lý liên quan; hợp tác với các bên và quan hệ quốc tế; truyền thông. Đến nay đã có gần 100 nhà máy chế biến hải sản tham gia cam kết sử dụng nguyên liệu chế biến được khai thác hợp pháp, đặc biệt là nhóm các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ.
Phát huy kết quả ban đầu đạt được, hiện các đơn vị có liên quan đang tiếp tục khắc phục các hạn chế mà EC khuyến nghị, phấn đấu gỡ thẻ vàng trong năm 2022 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên theo ghi nhận của Phó Tổng thư ký VASEP, chương trình vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định cản trở nỗ lực phấn đấu của toàn chuỗi.
Cụ thể ông Huỳnh Thanh Lĩn- đại diện Công ty TNHH Hải Vương cho biết “điểm nghẽn” hiện nay chính là ý thức tuân thủ của ngư dân, người trực tiếp khai thác hải sản chưa cao. Về phía doanh nghiệp, do không có đủ cơ sở dữ liệu đáng tin cậy nên doanh nghiệp thu mua hải sản rất khó xác định đâu là hải sản vi phạm IUU. Thậm chí có nhiều trường hợp doanh nghiệp mua nguyên liệu, chế biến xong; đến khi làm hồ sơ xuất khẩu mới biết nguyên liệu vi phạm và không thể xuất khẩu. Để khắc phục bất cập này đòi hỏi phải có cơ sở dữ liệu được kết nối, chia sẻ từ các Chi cục thủy sản địa phương, Ban quản lý các cảng cá đến các doanh nghiệp thu mua; từ đó mới nâng cao được hiệu quả chống khai thác IUU đồng bộ trong toàn chuỗi,
Đồng quan điểm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thanh tra (Tổng cục Thủy sản) Phan Thị Huệ cũng nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết lúc này là phải khắc phục những hạn chế trong chuỗi thực hiện sản xuất, chế biến hải sản từ cơ quan quản lý nhà nước cho đến doanh nghiệp, người dân; trong đó doanh nghiệp đóng vai trò chủ thể và là mắt xích quan trọng nhất.
Còn theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng, bên cạnh yếu tố chủ quan vẫn còn rất nhiều yếu tố khách quan ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU, nhất là khi nghề cá Việt Nam là nghề cá truyền thống, quy mô nhỏ, số lượng tàu cá rất lớn. Từ khi bị EC phạt “thẻ vàng” đến nay, hải sản Việt Nam xuất sang thị trường EU phải đối mặt với không ít thách thức. Các lô hàng xuất khẩu sang thị trường này sẽ bị kiểm tra rất kỹ, gần như 100% hồ sơ liên quan đến truy suất nguồn gốc cũng như việc đảm bảo khai thác là hợp pháp. Bối cảnh này đòi hỏi các cơ quan chức năng Việt Nam phải nỗ lực gỡ được “thẻ vàng” trong thời gian sớm nhất, giúp hải sản Việt rộng đường xuất khẩu sang EU.
Quốc Anh