Dành ưu tiên hợp tác ứng phó đại dịch, giảm thiểu các tác động kinh tế – xã hội
Tại Hội nghị Cấp cao trực tuyến ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) lần thứ 24, lãnh đạo các nước ASEAN+3 đã nhất trí dành ưu tiên hợp tác ứng phó đại dịch, giảm thiểu các tác động kinh tế-xã hội, thúc đẩy phục hồi toàn diện hướng tới phát triển bền vững, đồng thời xem xét dỡ bỏ hạn chế đi lại giữa các nước trong khu vực khi có điều kiện an toàn.
Lãnh đạo các nước cũng ghi nhận và đánh giá cao những chuyển biến tích cực trong hợp tác ASEAN+3 thời gian qua; nhất trí cần triển khai hiệu quả Kế hoạch Công tác Hợp tác ASEAN+3 giai đoạn 2018-2022; đồng thời cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy tự do hoá thương mại và liên kết kinh tế khu vực, sớm phê chuẩn và triển khai Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Về phía các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cam kết sẽ tiếp tục cung cấp vaccine và trang thiết bị y tế cho các nước ASEAN, tăng cường hợp tác nghiên cứu và phát triển vaccine hướng tới nâng cao năng lực tự chủ vaccine trong khu vực. Các đối tác cũng khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ các sáng kiến của ASEAN về phòng chống Covid-19 (Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19, Kho Dự phòng vật tư y tế khu vực và Khung phục hồi tổng thể ASEAN…); tiếp tục hỗ trợ các quốc gia trong khối nâng cao năng lực y tế dự phòng ứng phó với nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong tương lai; đồng thời đẩy mạnh hợp tác với ASEAN trong các lĩnh vực mới tiềm năng như: chuyển đổi số, kinh tế số, thương mại điện tử, hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và bền vững.
Dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng đặt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, các nước ASEAN+3 cần phát huy hơn nữa thế mạnh trong ứng phó khủng hoảng, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; nâng cao năng lực, nhất là khả năng tự chủ về vaccine và thuốc điều trị.
Các nước cũng cần đẩy mạnh cách tiếp cận mới linh hoạt và an toàn, thích ứng với trạng thái bình thường mới; duy trì ổn định và khôi phục phát triển kinh tế – xã hội bền vững tại khu vực; đồng thời thúc đẩy hợp tác đa phương quốc tế, nhất là đối với các vấn đề có tính khu vực và toàn cầu.
Với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, Thủ tướng đề nghị các đối tác hỗ trợ tiếp cận và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị Covid-19 cho ASEAN; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm cũng như các biện pháp chống dịch, tăng cường khả năng cảnh báo sớm và phối hợp ứng phó với các tình huống y tế khẩn cấp trong tương lai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị ASEAN+3 cần hợp tác ổn định các nền tảng kinh tế – tài chính vĩ mô, thúc đẩy chuyển đổi số, từng bước khắc phục tác động của dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Các quốc gia trong khối và các đối tác cần phối hợp khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do cũng như có các giải pháp thực chất, hiệu quả phục hồi các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao tay nghề cho người lao động ở ASEAN, tăng cường các cơ chế ổn định tài chính khu vực.
Đề xuất các nước nghiên cứu thiết lập mạng lưới an sinh xã hội trong khu vực, đảm bảo quyền lợi cho người dân ASEAN + 3, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng kêu gọi các đối tác hãy tích cực ủng hộ nỗ lực của ASEAN trong xây dựng biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác; đồng thời đề nghị các bên tiếp tục đóng góp tích cực cho duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Nhật Anh