Thúc đẩy chuyển đổi số, đưa ASEAN thành một cộng đồng sáng tạo và có sức cạnh tranh cao trong nền kinh tế thế giới

Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh và đầu tư ASEAN (ASEAN BIS) 2021 với chủ đề “Xây dựng tương lai kỹ thuật số bền vững trong khu vực ASEAN”

Dành ưu tiên cho ứng phó Covid-19 và phục hồi kinh tế xanh

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, để thực hiện thành công mục tiêu kiểm soát và phục hồi kinh tế cần sự nỗ lực, chung tay vun đắp của tất cả 10 nước thành viên ASEAN cũng như bạn bè, đối tác.

Trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành, yêu cầu đặt ra là các chính phủ, doanh nghiệp và các bên liên quan trong ASEAN cần tập trung triển khai Khuôn khổ phục hồi toàn diện đã được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị cấp cao lần thứ 37; đồng thời triển khai các sáng kiến khác mà ASEAN đã thông qua với ba định hướng: phục hồi, số hóa, và tính bền vững, áp dụng ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ để thúc đẩy phục hồi xanh. “Đặt trong bối cảnh khó khăn hiện nay, ASEAN cần coi việc ứng phó Covid-19 và phục hồi kinh tế xanh là một trong những mục tiêu hàng đầu. Nỗ lực này sẽ góp phần mang lại lợi ích và những điều tốt đẹp cho tất cả thành phần kinh tế cũng như người dân trong khu vực” – Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định

Nhằm hiện thực hóa những mục tiêu trên, ứng phó Covid-19 và phục hồi kinh tế xanh tái khẳng định tầm quan trọng của Chiến lược tổng thể ASEAN về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và việc đẩy nhanh sáng kiến tăng cường sức mạnh tổng hợp của ASEAN ứng phó với các thảm họa thiên tai (ASEAN SHIELD) do Brunei đề xuất trong năm nay.

Tăng cường số hóa nền kinh tế

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, bối cảnh đại dịch Covid-19 đặt ra những yêu cầu cấp bách cho toàn thế giới nói chung – khối ASEAN nói riêng; trong đó có yêu cầu về chuyển đổi kỹ thuật số, xây dựng nền kinh tế số, đặc biệt là hỗ trợ số hóa đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa nhằm ứng phó hiệu quả với Covid – 19, ổn định và phát triển kinh tế sau đại dịch. Việc nắm bắt các cơ hội phát triển trong lĩnh vực kỹ thuật số có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy phục hồi tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường tăng cường kết nối, nâng cao vị thế của ASEAN trên trường quốc tế.

Nhận thức rõ điều này, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 53 vào đầu tháng 9/2021 đã thông qua Lộ trình Bandar Seri Begawan (BSBR): Chương trình Nghị sự về Chuyển đổi Kỹ thuật số của ASEAN nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế của ASEAN và hội nhập kinh tế số.

Trên cơ sở đó, ông Phạm Bình Minh bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp, học giả tham dự ASEAN BIS 2021 sẽ chia sẻ thêm những kinh nghiệm, bài học thực tiễn tốt nhất trong lĩnh vực số hóa, hỗ trợ cùng nhau áp dụng công nghệ cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật để kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19, cùng giúp nhau đào tạo kỹ năng và kiến thức về số hóa. Có như vậy thì khu vực ASEAN mới có thể gặt hái thành công trong tiến trình chuyển đổi số, vươn lên trở thành một cộng đồng sáng tạo và có sức cạnh tranh cao trong nền kinh tế thế giới.

Cũng theo Phó Thủ tướng Thường trực, là một thành viên tích cực, năng động của ASEAN, Việt Nam sẵn sàng hợp tác để đẩy mạnh kết nối hạ tầng kỹ thuật số, đảm bảo hệ sinh thái kỹ thuật số cho tất cả các bên tham gia hướng tới khu vực phát triển kỹ thuật số đồng đều và bền vững. Song song đó, Việt Nam cũng sẽ tích cực đồng hành cùng các doanh nghiệp trong khu vực ASEAN cũng như các nước đối tác, nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất về chính sách và môi trường kinh doanh xanh để có thể tận dụng tối đa cơ hội kinh doanh và đầu tư giữa Việt Nam với các nước trong khu vực.

Ở phạm vi trong nước, chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đẩy mạnh phổ cập số, khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác và tạo điều kiện để thúc đẩy đầu tư vào công nghệ cao theo hướng tăng trưởng xanh, tạo việc làm xanh đối với tất cả các thành phần kinh tế. “Đổi lại các doanh nghiệp cũng cần chung tay với chính phủ các nước ASEAN cùng đẩy lùi đại dịch, thúc đẩy phục hồi kinh tế bởi lẽ ASEAN rất cần sự năng động, chủ động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp trong việc thích ứng với tình trạng bình thường mới, giải quyết công ăn việc làm, ổn định cuộc sống của người dân và tạo ra giá trị mới cho cộng đồng, cho toàn xã hội” – Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

VIệt Hoàng