Nền kinh tế Trung Quốc trước “cơn bão” của ba cuộc khủng hoảng

GDP của Trung Quốc đang tăng với tốc độ chậm nhất trong một năm khi cuộc khủng hoảng năng lượng lớn, sự gián đoạn vận chuyển và cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản ngày càng trầm trọng đã gây thiệt hại cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Nền kinh tế tăng trưởng chỉ 4,9% trong quý 3, so với cùng kỳ năm trước. Con số này chậm hơn nhiều so với mức tăng 7,9% mà Trung Quốc ghi nhận trong quý 2. Đây cũng là tốc độ tăng trưởng yếu nhất kể từ giai đoạn tháng 7 đến tháng 9 năm ngoái, khi GDP cũng tăng 4,9%.

Fu Linghui, người phát ngôn của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, cho biết: “Những thách thức trong việc giữ cho nền kinh tế vận hành trơn tru đã tăng lên”. Ông cho biết sự phục hồi của đất nước sau đại dịch Covid-19 “vẫn chưa ổn định và không đồng đều.”

Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất không rơi vào suy thoái trong năm 2020. Nhưng họ đã phải đối mặt với một loạt thách thức trong năm nay đang đè nặng lên tăng trưởng.

Đất nước này đang ở giữa cuộc khủng hoảng năng lượng làm sụt giảm sản lượng của các nhà máy và dẫn đến việc cắt điện ở một số khu vực. Vấn đề đó đã được thúc đẩy bởi nhu cầu đầu năm nay do các dự án xây dựng cần nhiên liệu hóa thạch và trái ngược với việc Bắc Kinh theo đuổi các mục tiêu đầy tham vọng nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon.

Sự chậm trễ trong vận chuyển và hàng tồn kho tăng cao cũng ảnh hưởng đến các nhà sản xuất nhỏ hơn ở Trung Quốc hiện đang phải chịu thiệt hại về tiền mặt, dẫn đến mất đơn hàng và cắt giảm sản lượng.

Lĩnh vực bất động sản cũng đang gặp khó khăn do chính phủ ban hành quy định nhằm hạn chế việc vay nợ quá mức. Đầu tư bất động sản hiện đang giảm. Điều đó gây căng thẳng cho các nhà phát triển, đặc biệt là Evergrande. Một số công ty bất động sản khác đã bày tỏ dấu hiệu rằng họ đang phải vật lộn để trả các khoản nợ của mình.

Iris Pang, Chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ING Group, cho biết hoạt động sản xuất đã bị “ảnh hưởng nặng nề” bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Bà đã chỉ ra trong một ghi chú nghiên cứu hôm thứ Hai rằng hoạt động tại một số cảng đã bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát của Covid-19 và các biện pháp mà chính quyền đã thực hiện để ngăn chặn chúng trong quý gần đây nhất.

Trong khi đó, một cuộc khủng hoảng năng lượng lớn đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Larry Hu, người đứng đầu bộ phận kinh tế Trung Quốc của Macquarie Group, lưu ý rằng sự suy giảm trong sản xuất công nghiệp “rõ ràng hơn ở các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng”, như thép và xi măng.

Duy Thành