Khởi sắc xuất khẩu gạo và kỳ vọng cán đích năm 2021

Cùng với kim ngạch xuất khẩu dần phục hồi, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng bật tăng trở lại. Đây thực sự là tín hiệu vui cho ngành hàng xuất khẩu chủ lực này trên đường đua bứt tốc những tháng cuối năm.

Các nhà máy gạo tại khu vực phía Nam đã hoạt động lại

So với tuần trước, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong phiên giao dịch hôm 12/10 đã tăng thêm khoảng 5-10 USD/tấn tùy loại gạo. Trong đó gạo 5% tấm được chào bán trên thị trường thế giới với mức giá từ 438-442 USD/tấn, tăng 5 USD; tương tự gạo 25% được chào bán với mức giá từ 413-417 USD/tấn, tăng 10 USD.

Theo lời một doanh nghiệp có trụ sở tại Long An, sở dĩ giá gạo Việt Nam tăng là do đơn hàng từ các nước nhập khẩu gạo truyền thống đang có nhu cầu trở lại; trong khi đó nguồn cung gạo từ Ấn Độ lại bị ảnh hưởng do thời tiết không thuận lợi.

Ở trong nước, hiện tại vụ Hè thu đã kết thúc trong khi Chính phủ lại tăng lượng dự trữ quốc gia đã tạo lực đẩy kéo giá gạo nội địa cũng như xuất khẩu tăng lên. Để đáp ứng tiến độ giao hàng trong những tháng còn lại của năm 2021 cũng như đáp ứng hiệu quả nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường lớn tại khu vực châu Á cho nhu cầu cuối năm, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt đang dồn lực khôi phục hoạt động sản xuất.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy trong tháng 9/2021 hoạt động xuất khẩu gạo đã dần sôi động trở lại dù nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Nam vẫn thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Riêng trong tháng 9/2021, cả nước đã xuất khẩu thành công 530.000 tấn gạo, trị giá 261 triệu USD, tăng đáng kể so với tháng 8/2021 (430.000 tấn gạo, trị giá 211 triệu USD).

Lũy kế 9 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo cả nước đạt 4,516 triệu tấn, trị giá 2,389 tỷ USD, giảm 9,5% về lượng và giảm 2,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Sự sụt giảm này được lý giải là do ảnh hưởng từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4 lan rộng tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Nam khiến các nhà máy phải tạm ngưng hoạt động, các cảng cũng hạn chế đóng rút hàng để chấp hành quy định chống dịch.

Tuy nhiên với việc hoạt động xuất khẩu gạo đang dần sôi động trở lại từ cuối tháng 9/2021, Hiệp hội Lương thực Việt Nam vẫn đặt nhiều kỳ vọng rằng trong năm 2021 này nước ta sẽ hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 6-6,2 triệu tấn gạo các loại, kim ngạch đạt khoảng 3,325 tỷ USD.

Cũng như Việt Nam, thời gian gần đây giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Ấn Độ cũng bật tăng trở. Hiện gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán trên thị trường thế giới với mức giá từ 384-388 USD/tấn; gạo 5% tấm của Ấn Độ được chào bán với giá từ 368-372 USD/tấn.

Theo Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Gạo Thái (TREA), giá gạo xuất khẩu của nước này tăng là do những áp lực nội tại (bão lũ; hầu hết nhà máy chế biến gạo tại Thái Lan giảm công suất hoạt động để đối phó với dịch bệnh Covid-19…). Cụ thể tình trạng lũ lụt tại các địa phương ở Thái Lan đã làm chậm tiến độ vận chuyển lúa gạo từ các nhà máy xay xát đến trung tâm Bangkok. Ngoài ra có thông tin cho rằng Thái Lan đã ký một thỏa thuận cung cấp 100.000 tấn gạo trắng Thái 5% tấm cho Trung Quốc, thời gian giao hàng có thể rơi vào tháng 11/2021 và đây không phải là giao dịch G2G. Thống kê của TREA cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2021, Thái Lan đã xuất khẩu 3,7 triệu tấn gạo các loại và kỳ vọng sẽ đạt con số 6 triệu tấn gạo xuất khẩu cho cả năm nay.

Về phía Ấn Độ, phân khúc gạo non-basmati có giá chào gạo trắng các loại tăng nhẹ do các thương nhân hiện đang tập trung hoàn tất các đơn hàng đã ký kết trước đó và tiếp tục giải phóng tồn kho, chuẩn bị cho thời điểm thu hoạch vụ chính vào cuối năm nay.

Như vậy sau nhiều tháng trầm lắng vì căng thẳng dịch bệnh, ở thời điểm hiện tại thị trường gạo thế giới đang dần sôi động trở lại khi dịch Covid-19 được kiểm soát ở các nước xuất khẩu và nhập khẩu, hoạt động thương mại gạo từng bước được khơi thông. Thị trường gạo khởi sắc trở lại đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt sẽ bước vào cuộc đua cạnh tranh  khốc liệt với các đối thủ khác. “Tuy nhiên trong cuộc đua này, giá gạo không phải là yếu tố cạnh tranh chính bởi vấn đề mà các đối tác nhập quan tâm nhất lúc này chính là tiến độ và cam kết giao hàng của doanh nghiệp Việt. Chính vì vậy trong hoạch định chính sách, các địa phương cần có sự thống nhất để tránh xảy ra tình trạng “đóng băng” mọi hoạt động như suốt thời gian qua” – Giám đốc Công ty TNHH Vrice Phan Văn Có khuyến nghị

Thế Anh