Singapore gây bất ngờ với việc thắt chặt tiền tệ khi GDP quý 3 tăng 6,5%
Ngân hàng trung ương Singapore hôm thứ Năm (14/10) đã thắt chặt chính sách tiền tệ lần đầu tiên sau ba năm, một động thái sớm hơn dự kiến khi quốc gia này tìm cách mở cửa lại nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và quản lý áp lực lạm phát.

Nền kinh tế Singapore đang phục hồi sau giai đoạn tồi tệ nhất của năm ngoái, nhưng đại dịch vẫn tiếp tục ám ảnh thành phố này.
Quốc đảo này cũng báo cáo mức tăng sơ bộ 6,5% trong tổng sản phẩm quốc nội trong quý từ tháng 7 đến tháng 9, theo sau các quốc gia như Hàn Quốc và New Zealand trong việc rút lui khỏi lập trường tiền tệ thuận lợi.
Chính sách tiền tệ của Singapore dựa trên tỷ giá hối đoái, theo đó đồng đô la Singapore được quản lý dựa trên một rổ tiền tệ của các đối tác thương mại lớn. Đợt thắt chặt cuối cùng là vào tháng 10/2018.
Cơ quan Tiền tệ Singapore (ngân hàng trung ương) hôm thứ Năm (14/10) cho biết họ sẽ tăng nhẹ độ dốc của biên độ chính sách hối đoái của đồng đô la Singapore từ 0%, để hướng tới sự tăng giá khiêm tốn của đồng tiền này.
Ngân hàng trung ương cho biết trong tuyên bố chính sách tiền tệ sáu tháng một lần, “Trừ khi hình thành các rủi ro tiềm ẩn như sự xuất hiện của một chủng vi rút kháng vắc-xin hoặc căng thẳng kinh tế toàn cầu nghiêm trọng, nền kinh tế Singapore nên tiếp tục trên con đường mở rộng”.
Trong thời kỳ đại dịch, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã hạ lãi suất chính sách để hỗ trợ nền kinh tế của họ. Tại Singapore, MAS đã nới lỏng chính sách từ tháng 3 năm ngoái, bằng cách giảm tỷ lệ tăng giá mục tiêu xuống 0% trong khi gần đây hạ biên độ tỷ giá hối đoái.
Theo MAS, lạm phát gần đây là một yếu tố chính dẫn đến quyết định thắt chặt tiền tệ lần này. Trong khi một số ngành tiếp tục chịu ảnh hưởng của COVID-19, chỉ số giá tiêu dùng chung của Singapore đã tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái. “Áp lực chi phí bên ngoài và trong nước đang tích tụ, phản ánh cả việc bình thường hóa nhu cầu cũng như điều kiện nguồn cung thắt chặt“, Ngân hàng trung ương lưu ý.
Tuy nhiên, việc thắt chặt đã khiến một số nhà kinh tế ngạc nhiên. Selena Ling, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và chiến lược ngân quỹ tại Oversea-Chinese Banking Corp, cho biết MAS “diều hâu một cách bất ngờ“.
“Những lo ngại về chính sách dường như dai dẳng hơn“, bà tiếp tục chỉ ra “áp lực giá lớn hơn từ sự kết hợp của các vấn đề chuỗi cung ứng, giá năng lượng tăng, nguồn nhân lực nước ngoài giảm do đóng cửa biên giới“. Ling cũng lưu ý rằng có “áp lực chi phí do chính sách định hướng” khi chính phủ có kế hoạch tăng lương trong một số lĩnh vực được trả lương thấp hơn.
Trong khi đó, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA, Jeffrey Halley chỉ ra rằng “Động thái ban đầu ngụ ý [MAS] tin rằng áp lực lạm phát toàn cầu sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi chúng trở nên tốt hơn. Do nền kinh tế đang trong giai đoạn mở cửa trở lại, MAS có thể tin rằng nếu người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi chi phí gia tăng, điều đó có thể làm suy yếu sự phục hồi kinh tế nếu những chi phí đó làm giảm thành phần tiêu dùng trong nước”.
Ở những nơi khác tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ngân hàng trung ương Hàn Quốc đã tăng lãi suất trong tháng 8 thêm 25 điểm cơ bản lên 0,75%, trong khi đối tác của New Zealand hồi đầu tháng này đã tăng lãi suất chủ chốt thêm 25 điểm cơ bản lên 0,50%.
Trong khi đó, dữ liệu GDP sơ bộ của Bộ Thương mại và Công nghiệp phản ánh sự phục hồi của đất nước sau giai đoạn tồi tệ nhất của năm ngoái, được hỗ trợ bởi tiến độ tiêm chủng nhanh chóng.
Khu vực sản xuất tăng 7,5% trong quý so với một năm trước đó, trong khi khu vực dịch vụ tăng 5,5% và khu vực xây dựng tăng 57,9%.
“Đặc biệt, các cụm công nghiệp điện tử và cơ khí chính xác tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi nhu cầu toàn cầu về chất bán dẫn và thiết bị bán dẫn liên tục“, Bộ này cho biết trong một tuyên bố.
Tính theo quý, nền kinh tế tăng trưởng 0,8% trong giai đoạn thứ ba.
Nhưng sự bùng phát trở lại gần đây của các ca nhiễm COVID-19 ở nước này và các hạn chế chặt chẽ hơn bắt đầu từ tháng trước có thể sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế trong thời gian còn lại của năm.
Mặc dù tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ trên 80%, quốc gia này đã báo cáo kỷ lục 3.703 trường hợp mắc mới vào thứ Bảy tuần trước, mặc dù phần lớn các ca nhiễm trùng trong đợt bùng phát hiện tại là nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Động lực tăng trưởng bên ngoài cũng đang suy yếu, một phần do kinh tế Trung Quốc suy thoái. Xuất khẩu nội địa không phải dầu mỏ chuẩn của Singapore cho thấy tốc độ tăng trưởng giảm trong tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 8, ở mức 2,7%.
Huy Hoàng