Tiềm năng dồi dào trong hợp tác song phương Việt Nam – Indonesia
Từ bao lâu nay, Việt Nam và Indonesia luôn là hai đối tác quan trọng của nhau và có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng cường hợp tác trên mọi lĩnh vực, nhất là thương mại và đầu tư.
Điểm sáng thương mại
Dù trong năm 2020 vừa qua, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Indonesia có sự suy giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 song đã sớm có sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ kể từ đầu năm 2021. Cụ thể trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hàng Việt Nam sang Indonesia đạt giá trị kim ngạch 2,51 tỷ USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh yếu tố giá hàng hóa quốc tế tăng cao, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng trong 8 tháng qua cho thấy cầu nhập khẩu của Indonesia cũng đang dần hồi phục; trong đó có đến 8/10 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu sang Indonesia tăng cao như: nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt kim ngạch 328,38 triệu USD, tăng 127,2% so với cùng kỳ năm ngoái; chất dẻo nguyên liệu có kim ngạch đạt 201,93 triệu USD, tăng 107,5%; xơ, sợi dệt các loại có kim ngạch đạt 78,43 triệu USD, tăng 91,2%…
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ Indonesia trong tháng 8/2021 đạt 624,44 triệu USD, giảm 9,5% so với tháng 7/2021. Trong số 10 nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất từ Indonesia trong kỳ có tới 7/10 nhóm hàng có giá trị kim ngạch giảm, trong đó giảm mạnh nhất là nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đạt 381,75 triệu USD, giảm 55,7%; tiếp theo là nhập khẩu phụ tùng ô tô đạt kim ngạch 137,6 triệu USD, giảm 39,5%. Còn lại 3 nhóm hàng có giá trị nhập khẩu tăng trưởng bao gồm: than các loại đạt kim ngạch 935,32 triệu USD, tăng 30,4%; sắt thép các loại tăng đạt kim ngạch 300,35 triệu USD, tăng 8,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt giá trị kim ngạch 169,75 triệu USD, tăng 17%.
Tính chung trong trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Indonesia đạt giá trị 4,39 tỷ USD, tăng 51,9% so với cùng năm trước. 10 nhóm hàng nhập khẩu nhiều nhất với tổng giá trị nhập khẩu là 3,21 tỷ USD, chiếm 73% tổng giá trị nhập khẩu, đều có tốc độ tăng trưởng cao đã làm gia tăng mạnh kim nhập nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm nay. Trong 10 nhóm hàng này, 3 nhóm có giá trị tăng cao nhất gồm hóa chất (kim ngạch 441 triệu USD, tăng 95,5%); dầu mỡ thực vật (kim ngạch 205 triệu USD, tăng 87,9%); than (kim ngạch 935 triệu, tăng 71,6%).
Mục tiêu trong tương lai, Việt Nam và Indonesia phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt mốc 10 tỷ USD theo hướng cân bằng, hướng tới phục hồi và phát triển kinh tế bền vững sau đại dịch, giải quyết các phát sinh trên tinh thần đối tác chiến lược và cùng có lợi.
Sôi động dòng vốn đầu tư
Cùng với tăng trưởng trong lĩnh vực thương mại, các hoạt động đầu tư giữa Việt Nam và Indonesia cũng có nhiều tín hiệu tích cực nhờ vào điều kiện thị trường có nhiều điểm tương đồng cùng cộng đồng khởi nghiệp hết sức sôi động của hai nước. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu 2021 tổng vốn đầu tư FDI của Indonesia đạt 5,49 triệu USD, xếp thứ 39/94 nước đầu tư vào Việt Nam. Dòng vốn FDI của Indonesia vào Việt Nam được thực hiện dưới hình thức góp vốn mua cổ phần. Lũy kế tới tháng 9/2021, Indonesia còn 86 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn 611,57 triệu USD, xếp thứ 29/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Cuối tháng 8 vừa qua, East Ventures-chi nhánh đầu tư mạo hiểm của Gojek đã tham gia vào vòng gọi vốn 2,7 triệu USD của công ty khởi nghiệp truyền thông kỹ thuật số Việt Nam Vietcetera. Được biết đây là khoản đầu tư thứ tư của East Ventures vào Việt Nam, sau CirCo vào năm 2018, Sendo vào năm 2019 và Kim An vào năm 2020. Ngoài Indonesia, East Ventures cũng xem xét các cơ hội đầu tư ở các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Riêng tại Việt Nam, Qũy đầu tư mạo hiểm này đang tìm kiếm các hạng mục đầu tư mà mình có kinh nghiệm ở Indonesia, nhất là trong không gian làm việc chung, cho vay, thương mại và truyền thông.
Cùng với East Ventures, một công ty kỳ lân khác của Indonesia là J&T Express cũng tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam để phục vụ nhu cầu khổng lồ về giao hàng thương mại điện tử. Công ty có trụ sở tại Jakarta hiện có hơn 1.900 bưu cục và sử dụng khoảng 25.000 nhân viên trên toàn quốc.
Mới đây Công ty khởi nghiệp Kredivo của Indonesia cũng đã công bố bước chân vào thị trường Việt Nam bằng cách thành lập quan hệ đối tác với Công ty Phoenix Holdings có trụ sở tại Việt Nam. Kiến thức chuyên môn sâu rộng trong lĩnh vực mua trước, trả sau của Kredivo cũng như mạng lưới rộng lớn tại địa phương và hiểu biết của Phoenix Holdings sẽ được Công ty CP Kredivo Việt Nam – đơn vị đại diện tại Việt Nam của Kredivo tận dụng hiệu quả.
Huyền Anh