Châu Âu trở thành ‘con tin’ của Nga trong lĩnh vực năng lượng

Sau khi Nga “giải cứu” châu Âu trong lĩnh vực năng lượng và đề nghị tăng nguồn cung cấp khí đốt cho khu vực trong bối cảnh giá tăng cao, các chuyên gia cho biết một điều hiện đã trở nên rõ ràng: Châu Âu đang phần lớn phụ thuộc vào Nga khi nói đến năng lượng, giống như những gì Mỹ đã cảnh báo. Các hợp đồng khí đốt tự nhiên đạt mức cao mới ở châu Âu trong tuần này – và giá chuẩn khu vực đã tăng gần 500% cho đến nay trong năm nay – với nhu cầu tăng cao và nguồn cung bị thắt chặt gây áp lực lên ngành năng lượng khi thời tiết trở nên lạnh hơn.

Giá cả đã biến động vào thứ Tư, đạt mức cao mới trước khi sụt giảm sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin can dự và đề nghị tăng nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu. Các nhà phân tích thị trường cho rằng động thái này cho thấy châu Âu ngày càng dễ bị tổn thương trước Nga, quốc gia đang chờ đợi Đức chứng nhận dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 gây tranh cãi sẽ đưa nhiều khí đốt của Nga đến châu Âu qua Biển Baltic.

Đường ống trị giá 11 tỷ USD hiện đã được hoàn thành trước sự khó chịu của Mỹ, vốn từ lâu đã phản đối dự án. Mỹ đã cảnh báo trong quá trình xây dựng nhiều năm qua rằng dự án này làm tổn hại đến an ninh năng lượng của châu Âu và Nga có thể tìm cách sử dụng nguồn cung cấp năng lượng để gây ảnh hưởng cho khu vực.

Mike Fulwood, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, đồng ý rằng bất kỳ quyết định nào cung cấp thêm khí đốt cho châu Âu của Nga đều mang tính “chính trị” và gắn liền với việc chứng nhận đường ống Dòng chảy phương Bắc 2.

Ông nói với CNBC: “Về cơ bản, quan điểm của Nga là nếu bạn chấp thuận Dòng chảy phương Bắc 2, chúng tôi sẽ gửi khí đốt qua Dòng chảy phương Bắc 2 xuống châu Âu để chứng tỏ rằng chúng tôi đã thực hiện lời hứa của mình”.

 Bilal Hafeez, Giám đốc điều hành và người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Macro Hive, nói với CNBC vào thứ Năm rằng ông cũng tin rằng Nga đang sử dụng tình hình để có lợi cho mình. Ông nói: “Tôi thực sự nghĩ rằng Nga đã sử dụng cuộc khủng hoảng năng lượng này để tận dụng tình hình ở đây và cố gắng thúc đẩy việc sử dụng đường ống và theo cách nào đó, có một số bằng chứng cho thấy họ có thể đã kìm hãm nguồn cung thông qua đường ống qua Ukraine, để Đức và EU đẩy nhanh việc thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 2”.

Việt Hoàng