Giá năng lượng tăng đột biến đẩy lạm phát tại Eurozone tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008
Đại dịch Covid-19 diễn biến kéo dài làm đứt gẫy chuỗi cung ứng và gián đoạn thị trường năng lượng, từ đó đẩy lạm phát ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 9 vừa qua tăng lên mức cao nhất trong vòng 13 năm trở lại đây.
Cụ thể dữ liệu sơ bộ từ Văn phòng thống kê Eurostat của châu Âu cho thấy lạm phát khu vực Eurozone trong tháng 9/2021 đạt mức 3,4% – mức cao nhất kể từ tháng 9/2008 (3,6%). Hàng hóa, dịch vụ tại khu vực Eurozone ngày càng trở nên đắt đỏ hơn; thậm chí giá tiêu dùng của Đức vào tháng 9 tăng 4,1%, mức cao nhất trong gần 30 năm.
Giới chức EU quan ngại tỷ lệ lạm phát quá cao sẽ gia tăng sức ép lên chính phủ các nước trong việc áp dụng các biện pháp giảm giá năng lượng. Kể từ đầu năm đến nay, chỉ số giá xăng giao ngay tại trung tâm TTF của Hà Lan đã tăng gần 400%. Đáng quan ngại, đợt tăng giá năng lượng kỷ lục này dự báo sẽ còn kéo dài và các nhà phân tích năng lượng đã phải lên tiếng cảnh báo sự bất ổn của thị trường có thể kéo dài suốt mùa đông.
Trước tình hình trên, chính phủ Pháp đã ráo riết vào cuộc triển khai một loạt giải pháp nhằm giảm thiểu chi phí cho người tiêu dùng. Thủ tướng Jean Castex ra tuyên bố rằng chính phủ Pháp sẽ nỗ lực hết mình để ngăn chặn đà tăng giá điện và khí đốt tự nhiên. Tương tự Pháp, chính phủ các nước Italy, Hy Lạp và Tây Ban Nha cũng đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm kìm hãm tình trạng tăng giá.
Các ngân hàng trung ương ở châu Âu cho rằng hiện tượng lạm phát tăng cao thời gian gần đây chỉ là tạm thời, nguyên nhân là do đại dịch Covid-19 diễn biến kéo dài làm đứt gãy chuỗi cung ứng và làm gián đoạn thị trường năng lượng. Bước sang năm 2022, áp lực về giá sẽ dần hạ nhiệt. “Trong ba quý vừa qua chúng tôi đã điều chỉnh tăng nhiều dự báo của mình. Mọi thứ diễn ra nhanh hơn và điều này hoàn toàn phù hợp với quy luật tăng trưởng, lạm phát và việc làm. Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy các nền kinh tế đang dần hồi phục. Tuy nhiên giá năng lượng đã trở thành vấn đề nóng tại châu Âu và áp lực giá năng lượng có thể kéo dài lâu hơn các yếu tố lạm phát khác”, bà Christine Lagarde – Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho hay.
Tuy nhiên một số nhà kinh tế lại đặt nghi vấn liệu tất cả áp lực về giá chỉ là tạm thời như tuyên bố của ECB và liệu ngân hàng trung ương có cần điều chỉnh chính sách tiền tệ nhanh hơn hay không? Các nhà phân tích đều kỳ vọng tại cuộc họp vào tháng 12 tới, ECB sẽ cung cấp thêm thông tin chi tiết về lập trường chính sách tiền tệ của mình. “Ngay cả khi lạm phát tiếp tục tăng cao và kéo dài, chúng tôi vẫn nghĩ rằng ECB sẽ giữ nguyên cách tiếp cận ôn hòa của mình”, Andrew Kenningham – Nhà kinh tế trưởng về châu Âu tại Capital Economics nhận định.
Huy Hoàng