Thành phố mở cửa trở lại, doanh nghiệp vẫn nặng gánh lo…

Tp.HCM đã mở cửa trở lại kể từ ngày 1/10 song nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể phục hồi 100% hoạt động sản xuất do thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực, chưa kể nỗi lo Thành phố sẽ tái siết chặt nếu tình hình dịch bệnh diễn biến xấu hơn

Ông Nguyễn Gia Huy Chương – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Tp.HCM (YBA) cho biết có khoảng 200 hội viên của Hội là doanh nghiệp quy mô nhỏ (dưới 100 lao động) và không đủ điều kiện thực hiện phương án “3 tại chỗ” nên phải dừng sản xuất, phần lớn nhân sự đều về quê. Chính vì vậy khi Thành phố tái mở cửa, mối lo của các doanh nghiệp là không biết làm sao để đưa công nhân quay trở lại sản xuất. “Dù Tp.HCM đã cho phép mở cửa hôm 1/10 song lại chưa thống nhất phương án tổ chức giao thông với 5 tỉnh lân cận. Chính điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong việc bố trí nhân sự sản xuất trở lại. Hơn nữa dự thảo cũng chưa nhắc đến một số địa phương mà người lao động từ Tp.HCM trở về nhiều như Bình Phước, Ninh Thuận, Đắk Lắk. Trong khi đó việc tuyển dụng lao động thời vụ trong giai đoạn này cũng khó thực hiện bởi doanh nghiệp muốn được sản xuất ngay và tiết giảm những chi phí phát sinh” – Phó Chủ tịch YBA chia sẻ.

Còn theo ông Nguyễn Văn Bé – Chủ tịch Hiệp hội các khu công nghiệp Tp.HCM (HBA), việc các địa phương chưa đồng bộ về phương án mở cửa đẩy các doanh nghiệp vào thế bị động. Được phép sản xuất trở lại nhưng lại chưa sẵn sàng về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất khiến niềm vui của doanh nghiệp không được trọn vẹn.

Lãnh đạo YBA và HBA cho biết thêm phương án mới của Thành phố cũng chưa đề cập đến việc giải phóng lực lượng lao động “3 tại chỗ” tại các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp chưa phủ hết vaccine thắc mắc người lao động của họ có được trở về nhà hay tiếp tục ở lại. Bởi nếu trở về thì họ không thể quay lại nhà máy và kéo theo thiếu hụt nhân sự dây chuyền cho doanh nghiệp.

Trước đó tại buổi họp báo ngày 30/9, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Lê Hoà Bình cũng đã đề cập đến tình trạng khan hiếm lao động khi Thành phố mở cửa trở lại. Bằng chứng là sáng 30/9 chỉ có khoảng 30-40% công nhân làm việc tại 45 công trình xây dựng được phép thi công trở lại.

Để giải bài toán thiếu hụt nhân lực, Tp.HCM đã chốt phương án đón người lao động các tỉnh trở lại làm việc với điều kiện phải được tiêm vaccine mũi 1 đủ 14 ngày, hoặc có xác nhận khỏi Covid-19 và xét nghiệm âm tính nCoV còn hiệu lực. Việc vận chuyển người lao động đến Thành phố sẽ thực hiện bằng đường bộ theo 3 phương thức: đơn vị sử dụng lao động tự tổ chức đưa đón; Ban quản lý khu chế xuất, Ban quản lý khu công nghệ cao… làm đầu mối đưa đón; Thành phố tổ chức tuyến xe khách cố định đi từ bến xe khách ở các địa phương đến Tp.HCM.

Bên cạnh thiếu hụt nhân lực, doanh nghiệp còn phải đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng cùng nỗi lo thường trực rằng Thành phố sẽ tái siết chặt nếu tình hình dịch bệnh diễn biến xấu hơn.  Ông Trịnh Chí Cường – Tổng Giám đốc Công ty CP Nhựa Đại Đồng Tiến cho biết doanh nghiệp mình vẫn chưa thể quay lại cường độ sản xuất như trước dịch. Lo ngại dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp hơn, Đại Đồng Tiến vẫn đang trong giai đoạn nghe ngóng, theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh hàng tuần để từ đó ra quyết định có sản xuất lại hay không bởi nếu tổ chức sản xuất lại toàn bộ mà dịch bùng phát tiếp, Thành phố tái siết chặt thì doanh nghiệp càng khó khăn hơn.

Hơn nữa do ảnh hưởng của dịch bệnh nên lượng đơn hàng của Đại Đồng Tiến cũng giảm mạnh và đây là một phần lý do doanh nghiệp vẫn chưa để 700 công nhân quay trở lại nhà máy cùng lúc dù toàn bộ đã tiêm 1 mũi vaccine, trong đó 35% tiêm đủ 2 mũi. “Quý III thường là giai đoạn cao điểm tiếp nhận đơn hàng xuất khẩu phục vụ mùa Giáng sinh. Tuy nhiên 4 tháng giãn cách buộc Đại Đồng Tiến phải từ chối nhiều đơn đặt hàng nên giờ chỉ còn lại những đơn hàng trong nước và đối tác thân quen” – ông Cường cho hay.

Hoàng Oanh