Hàng rào kỹ thuật trong thương mại – Những điều doanh nghiệp cần lưu ý
Trong thương mại quốc tế, vì nhiều mục đích khác nhau (bảo vệ sức khỏe con người, động thực vật; các vấn đề môi trường; lợi ích kinh tế…) mà các nước sẽ tăng cường việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật về TBT và các biện pháp vệ sinh, an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật SPS). Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu phải tìm hiểu kỹ các quy định TBT, SPS liên quan đến sản phẩm của từng thị trường để tránh vi phạm, hạn chế các thiệt hại về kinh tế cũng như ảnh hưởng lâu dài đến uy tín thương hiệu của mình.
Theo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), TBT và SPS chính là một trong những hàng rào phi thuế quan và nó được quy định chặt chẽ về quy trình xây dựng, áp dụng, cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến xây dựng, ban hành và áp dụng các biện pháp kỹ thuật này bởi Tổ chức Thương mại thế giới WTO. Về nguyên tắc, các biện pháp TBT và SPS này là cần thiết và hợp lý nhằm bảo vệ những lợi ích quan trọng như sức khoẻ con người, môi trường, an ninh… Vì vậy, mỗi nước đều thiết lập và duy trì một hệ thống các biện pháp kỹ thuật riêng đối với hàng hoá của mình và hàng hoá nhập khẩu.
Nhằm giúp các doanh nghiệp không vi phạm các biện pháp TBT, SPS của nước nhập khẩu, thời gian qua Vụ Khoa học và Công nghệ đã chủ động xây dựng chương trình tuyên truyền, phổ biến về TBT, SPS; khảo sát, đánh giá các TCVN, QCVN (tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật) của Việt Nam đối với một số sản phẩm, hàng hóa nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu; phối hợp, duy trì và đảm bảo hoạt động của điểm hỏi đáp TBT Bộ Công Thương; tham gia hoạt động của Ban liên ngành TBT Việt Nam; tham gia góp ý, hoàn thiện các văn bản sửa đổi liên quan đến hoạt động của Ban liên ngành và điểm hỏi đáp về TBT theo đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ. Vụ Khoa học và Công nghệ còn chủ động phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nghiên cứu, xây dựng dự thảo Đề án của Chính phủ về tăng cường hàng rào kỹ thuật trong thương mại; đồng thờ, đã rà soát hệ thống TCVN, QCVN liên quan đến ngành Công Thương để tiếp tục nghiên cứu, xây dựng lộ trình, kế hoạch hoàn thiện hệ thống các hàng rào kỹ thuật phù hợp cam kết quốc tế và đảm bảo các mục tiêu quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Ngoài ra Vụ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức các hội thảo giới thiệu về TBT, SPS và yêu cầu về chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam thuộc diện quản lý của Bộ Công Thương khi xuất khẩu sang EU cũng như chủ động xây dựng Chương trình tuyên truyền, phổ biến về TBT, SPS trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA; khảo sát, đánh giá các TCVN, QCVN của Việt Nam đối với một số sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường EU (dệt may, sữa, da giày…) và đề xuất Kế hoạch xây dựng TCVN, QCVN giai đoạn 2021-2025…
Để tránh rơi vào tình huống vi phạm các biện pháp TBT và SPS của nước nhập khẩu dẫn đến các quyết định thu hồi sản phẩm hoặc nghiêm trọng hơn là bị kiện bồi thường gây thiệt hại về mặt kinh tế và ảnh hưởng lâu dài đến uy tín của mình, đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm hiểu kỹ về các quy định, các biện pháp TBT, SPS liên quan đến sản phẩm của từng thị trường thông qua hệ thống các cơ quan, tổ chức hỗ trợ, tư vấn.
Các doanh nghiệp cũng cần chủ động nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại, tìm hiểu thông tin về TBT, SPS của các quốc gia nhập khẩu để điều chỉnh hoạt động sản xuất. Tăng cường khả năng cạnh tranh và có thể đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu; mở rộng, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước, giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các tổ chức đa quốc gia. Đồng thời chủ động đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu cũng như triển khai áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe, môi trường (ISO, 5S, HACCP, GMP…) nhằm chuẩn hóa đầu ra theo yêu cầu từ phía các nước nhập khẩu.
Quốc Huy