VCCI kiến nghị nhiều giải pháp để duy trì sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp

Nhấn mạnh nếu giãn cách xã hội kéo dài, các doanh nghiệp sẽ “chết lâm sàng”, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công đã tranh thủ kiến nghị nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và ổn định sản xuất ngay tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp diễn ra sáng ngày 26/9.

Theo người đứng đầu VCCI, dưới tác động của đại dịch Covid-19, nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang trải qua thời kỳ vô cùng cam go, khốc liệt; các mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước, của các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với những rào cản không hề nhỏ. Bối cảnh này đòi hỏi Việt Nam cần có tư duy mới, quan điểm mới về phòng chống dịch. Chính vì vậy cộng đồng doanh nghiệp đồng tình, nhất trí cao với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp.

Để phù hợp với quan điểm mới, tư duy mới cũng đòi hỏi phải có một chiến lược mới, cách làm mới về ứng phó với Covid-19, thay vì dồn toàn lực tập trung cho một mặt trận chính là phòng chống dịch bệnh giờ đây có thể chuyển sang tập trung cho cả mặt trận thứ 2 là duy trì, phát triển kinh tế. “Cả 2 mặt trận này đều quan trọng và có tác động qua lại với nhau; có phòng chống dịch tốt mới tạo nền tảng bền vững duy trì hoạt động sản xuất an toàn, ngược lại có duy trì được sản xuất tốt mới có đủ nguồn lực để chiến thắng dịch bệnh” – ông Phạm Tấn Công khẳng định.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch VCCI đề xuất 2 kiến nghị: cần nhìn nhận các doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó Covid-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các doanh nghiệp; mặt trận kinh tế vững chắc là nền tảng cho chiến thắng trên mặt trận y tế, do vậy cần có chủ trương kiên quyết bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của doanh nghiệp trong điều kiện sống chung với dịch.

Chủ tịch VCCI cũng đề nghị Thủ tướng cho phép đại diện cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào cơ cấu Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 các cấp; đồng thời xem xét đổi tên các Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế để đưa nhiệm vụ duy trì sản xuất, phục hồi kinh tế trở thành một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách ngang với nhiệm vụ phòng chống dịch.

Để triển khai công tác phòng chống dịch đi đôi với phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới, VCCI nhất trí cao với 6 nguyên tắc mà Thủ tướng đã nêu trong kết luận cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ngày 23/9/2021; trong đó nguyên tắc số 5 (vắc xin, thuốc chữa bệnh) và 6 (ý thức người dân) được xem là điều kiện tiên quyết. Ngoài ra cộng đồng doanh nghiệp cũng đánh giá cao các nguyên tắc, giải pháp của Chính phủ tại Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Theo người đứng đầu VCCI, ngay trong thời điểm “ngàn cân treo sợi tóc” này, mọi chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ đều rất trân quý đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Về khó khăn của các doanh nghiệp, ông Phạm Tấn Công cho biết dịch bệnh hoành hành tác động tiêu cực đến tất cả các thành phần kinh tế, tất cả các ngành nghề, trong đó chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là các lĩnh vực du lịch, chế biến thủy sản, giao thông vận tải. Khảo sát của VCCI cho thấy hiện chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản khu vực phía Nam còn hoạt động nhờ đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ”; còn lại hơn 50% doanh nghiệp ngành gỗ tại khu vực Đông Nam Bộ dừng sản xuất và đang đối diện nguy cơ phá sản.

Ngành lữ hành, lưu trú và ăn uống chịu tác động vô cùng nghiêm trọng, kéo dài từ năm 2019 đến nay, công suất phòng trung bình cả nước chỉ đạt 15%, nhiều nơi dưới 10%, nhiều cơ sở phải đóng cửa. “Hiện các doanh nghiệp chỉ có thể cầm cự thêm tối đa 6 tháng. Nếu tình hình dịch bệnh và giãn cách xã hội kéo dài, các doanh nghiệp sẽ “chết lâm sàng” – Chủ tịch VCCI cảnh báo

Duyên Anh