Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu đạt thỏa thuận với Mỹ về cáo buộc gian lận

Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu và Bộ Tư pháp Mỹ hôm thứ Sáu đã ký một thỏa thuận hoãn truy tố các cáo buộc của Mỹ đối với bà cho đến cuối năm 2022, sau đó các cáo buộc có thể được bãi bỏ.

Thỏa thuận này, cho phép Mạnh Vãn Châu trở lại Trung Quốc, có thể chấm dứt câu chuyện pháp lý kéo dài gần ba năm vốn gây phức tạp trong quan hệ giữa Mỹ, Trung Quốc và Canada.

Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã đưa tin bà Mạnh Vãn Châu đã rời Canada hôm thứ Sáu trên chuyến bay đến Trung Quốc do chính phủ Trung Quốc thuê. Sau khi bà được thả, hai người Canada bị Trung Quốc giam giữ trong gần ba năm cũng được trả tự do, theo Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết hôm thứ Sáu.

Vụ án của Mỹ xoay quanh việc Mạnh Vãn Châu, đồng thời là con gái của người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, đã đánh lừa HSBC về mối quan hệ của Huawei với một công ty con của Iran, Skycom, mà Mỹ cáo buộc có thể khiến ngân hàng này có nguy cơ vi phạm lệnh trừng phạt.

Trợ lý Luật sư Mỹ David Kessler nói với tòa án rằng các bên đã ký một thỏa thuận truy tố được hoãn lại cho đến ngày 1 tháng 12 năm 2022. Nếu bà Mạnh Vãn Châu tuân thủ các quy định của thỏa thuận, chính phủ Mỹ sẽ loại bỏ các cáo buộc chống lại bà vào ngày đó. Thẩm phán quận Ann Donnelly đã chấp nhận thỏa thuận truy tố hoãn lại trong phiên điều trần hôm thứ Sáu. Huawei và nhóm của Mạnh Vãn Châu trước đó đã phủ nhận cáo buộc của Mỹ, nói rằng các giám đốc điều hành của HSBC biết về mối quan hệ của Huawei với Skycom. Họ cũng tuyên bố rằng vụ kiện của Mỹ – được đệ trình trong bối cảnh cựu Tổng thống Donald Trump chiến tranh thương mại với Trung Quốc – có động cơ chính trị. Bà Mạnh Vãn Châu bị bắt vào tháng 12 năm 2018 tại sân bay Vancouver theo lệnh của chính phủ Mỹ. Bà đã bị quản thúc tại gia trong những ngôi nhà trị giá hàng triệu đô la của mình trong thành phố khi các thủ tục dẫn độ bà ra tòa ở Mỹ được tiến hành thông qua các tòa án Canada. Nhóm của bà Mạnh Vãn Châu cũng đã phản đối việc dẫn độ; lập luận rằng quyền của bà Mạnh Vãn Châu đã bị vi phạm trong thời gian bà bị bắt tại sân bay.

Diệu Anh