Cựu Thống đốc Ngân hàng Thái Lan chỉ ra bảy vấn đề cấp bách

Veerathai Santiprabhob, cựu thống đốc Ngân hàng Thái Lan, cho biết chính phủ cần giải quyết bảy vấn đề cấp bách trong kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội mới của quốc gia. Ông đã đưa ra bình luận trên hôm thứ Tư tại cuộc họp thường niên của Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDC). Ông Veerathai nói rằng vấn đề cấp bách đầu tiên là các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước phình ra, dẫn đến ngân sách nhà nước tăng vọt. Thứ hai là sự chênh lệch, đặc biệt là trong hệ thống giáo dục và khoảng cách cạnh tranh giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp lớn. Vấn đề thứ ba là năng lực cạnh tranh của quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ông cho biết nhiều nước đã đạt được các thỏa thuận tham gia các hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trong khi đó, Thái Lan vẫn chưa quyết định có tham gia CPTPP hay không. Ông Veerathai cho biết điều này có thể khiến Thái Lan trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài vì thị trường nội địa của nước này vẫn còn nhỏ. Vấn đề thứ tư là khoảng cách thế hệ. Ông nói nếu chính phủ không tìm được điểm chung giữa các thế hệ, điều này có thể cản trở sự phát triển của đất nước.

Ông Veerathai nói rằng đất nước cũng nên tập trung nhiều hơn vào phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Hơn nữa, Thái Lan nên tạo ra một hệ sinh thái để cho phép đất nước tối đa hóa công nghệ tiên tiến. Vấn đề cuối cùng là tham nhũng trầm trọng. Ông cho biết bản dự thảo của kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội lần thứ 13 không nhấn mạnh nhiều đến việc giải quyết các vấn đề xã hội, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến hệ thống giáo dục, tham nhũng và nghèo đói ở các khu vực thành thị. Somphote Ahunai, Giám đốc điều hành mảng năng lượng tái tạo của nhà phát triển và lắp ráp xe điện Energy Absolute Plc, cho biết chính phủ cũng nên nghiêm túc xúc tiến kế hoạch phát triển thành một trung tâm sản xuất xe điện vì ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch có thể sẽ bị loại bỏ khỏi thị trường toàn cầu trong vòng hai thập kỷ tới.

Việc đưa Thái Lan trở thành trung tâm sản xuất xe điện ở ASEAN nằm trong số 13 cột mốc được đặt ra bởi Văn phòng NESDC, nơi đăng cai tổ chức hội thảo. Ông Somphote cho biết thêm các khoản đầu tư vào ngành công nghiệp xe điện sẽ được xác định bởi nhu cầu địa phương và sự sẵn có của cơ sở hạ tầng xe điện. Ông đề nghị chính phủ kích thích tăng trưởng ngành công nghiệp xe điện bằng cách xem xét thực thi luật yêu cầu tất cả các phương tiện giao thông công cộng và phương tiện thuộc sở hữu nhà nước phải chạy bằng pin.

Ông Somphote cho biết: “Các phương tiện giao thông công cộng không cần nhiều ổ cắm điện như ô tô cá nhân, nhưng những phương tiện lớn này cần nhiều pin hơn”.

Ông tin rằng việc sử dụng xe điện trong lĩnh vực giao thông công cộng là một cách để thúc đẩy nhu cầu xe điện. Ủy ban Chính sách Xe điện Quốc gia đã đặt mục tiêu vào tháng 3 là sẽ có 50% xe sản xuất trong nước là xe điện vào năm 2030, một phần trong kế hoạch đầy tham vọng của nhà nước nhằm đưa Thái Lan trở thành trung tâm sản xuất xe điện trong khu vực.

Ngọc Hoàng