“Quả bom nợ” Evergrande và những sự thật gây sốc

Với khoản nợ lên đến 300 tỷ USD và còn đang nợ người mua nhà khoảng 1,6 triệu căn hộ, Evergrande được ví như “quả bom nợ” của Trung Quốc. Tệ hại hơn, tập đoàn này còn mang nợ đối với hàng chục nghìn nhân viên khi bắt ép họ cho vay kể từ đầu tháng 4.

Khủng hoảng từ những khoản nợ khổng lồ

Được biết có khoảng 70-80% nhân viên của Evergrande trên khắp Trung Quốc đã nhận được yêu cầu cho công ty vay tiền, nếu từ chối sẽ bị giảm lương thưởng và hạ mức đánh giá thành tích. Để cung cấp cho tập đoàn khoản vay ngắn hạn, nhiều nhân viên đã phải xoay xở huy động tiền từ bạn bè và người thân, thậm chí có người còn đi vay nợ ngân hàng. Các khoản vay sẽ được ngụy trang dưới vỏ sản phẩm quản lý tài sản (WMP – một công cụ đầu tư có mức lãi suất rất cao nhưng rủi ro lớn). Tuy nhiên đến tháng 9 này, khi không thể cầm cự thêm nữa, Evergrande buộc phải ngừng trả nợ, đẩy hàng ngàn nhân viên vào cảnh khốn cùng.

 Theo ước tính, Evergrande đang nợ gần 1,6 triệu căn hộ và có thể nợ tiền hàng chục nghìn nhân viên. Tuần trước người mua nhà và nhân viên Evergrande đã tổ chức biểu tình tại nhiều văn phòng của Tập đoàn này trên khắp đất nước Trung Quốc để đòi lại tiền song kết quả thu được không mấy khả quan

Bên cạnh các cuộc biểu tình của nhân viên, Evergrande cũng đang đối mặt với hàng loạt vụ kiện từ các chủ nợ. Ngoài ra những lo ngại về sự sụp đổ cũng đã đẩy giá cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản hàng giảm Trung Quốc sụt giảm hơn 80% kể từ đầu năm đến nay.

Các nhà quản lý lo ngại rằng vụ vỡ nợ của một doanh nghiệp quy mô quá lớn như Evergrande sẽ làm chấn động toàn hệ thống tài chính Trung Quốc. Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn chưa có bất kỳ động thái nào để giải cứu Evergrande. Nhiều khả năng chính quyền Bắc Kinh đang muốn dạy cho các tập đoàn vay nợ vô tội vạ một bài học nhớ đời

Về phía Evergrande, Tập đoàn này từ chối bình luận về những rắc rối đang gặp phải song có thông tin cho biết Evergrande đang đứng trước áp lực tài chính khủng khiếp và đã thuê các chuyên gia về tái cấu trúc tư vấn để quyết định tương lai sẽ ra sao.

Đến thứ 7 tuần trước, Evergrande Wealth thông báo trong một bài đăng trên tài khoản Wechat của mình rằng các nhà đầu tư có thể chọn phương thức thanh toán nợ bằng bất động sản giảm giá thay vì tiền mặt. Nếu đồng ý, các nhà đầu tư có thể liên hệ với Evergrande Wealth để biết thêm chi tiết.

Trong nỗ lực hướng các nhà đầu tư khỏi việc trả nợ bằng tiền mặt, Evergrande đang đẩy mạnh chiết khấu đối với các tài sản bất động sản. Các nhà đầu tư có thể đầu tư vào các đơn vị nhà ở với mức chiết khấu 28%, bất động sản văn phòng với mức chiết khấu 46%, các cửa hàng hay bãi đỗ xe với mức chiết khấu 52%. Còn đối với nhà đầu tư lựa chọn phương thức tiền mặt có thể chọn được trả 10% gốc và lãi mỗi quý trong hai năm rưỡi.

“Diều đứt dây”…

Trong suốt hơn 20 phát triển, Evergrande luôn giữ vững vị thế tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc với động lực tăng trưởng từ cơn sốt bất động sản ở quy mô mà thế giới chưa từng chứng kiến. Sau những thành công vang dội trong lĩnh vực bất động sản, Tập đoàn này tự tin mở rộng hoạt động sang những địa hạt mới tiềm năng như nước đóng chai, thể thao chuyên nghiệp, xe điện….

Sự thăng hoa tột độ của Evergrande thu hút các ngân hàng và nhà đầu tư rót tiền vào, đẩy Tập đoàn này không ngừng phất lên như diều gặp gió. Tuy nhiên gió đã đổi chiều kể từ khi chính quyền Trung Quốc quyết liệt vào cuộc kiềm chế cơn sốt bất động sản, buộc các công ty trong ngành phải giảm nợ.

Động thái đầu tiên là giảm cho vay bất động sản trong hệ thống ngân hàng. Chính trong quá trình này, những nhà phát triển như Evergrande bị tước đi số tiền cần để hoàn thành các dự án còn dang dở, khiến nhiều gia đình dù đã trả đủ tiền nhà nhưng giờ vẫn chưa nhận được nhà. “Hệ thống tài chính Trung Quốc thực sự rất phức tạp và khi những sự việc như thế này xảy ra, bạn sẽ nhận thấy tác động lên xã hội là không hề nhỏ. Nếu như Evergrande sụp đổ thì đây thực sự là một sự kiện gây chấn động xã hội” – nhà quản lý quỹ Jennifer James khẳng định.

Để có thể huy động dòng tiền mới, Evergrande đang cố gắng bán nhiều mảng trong đế chế khổng lồ của mình song Tập đoàn vẫn chưa thể chắc chắn những nỗ lực này có phát huy hiệu quả hay không. Cuối tháng 8 vừa qua, tại một cuộc họp khẩn với các nhà quản lý, Evergrande được yêu cầu phải giải quyết ngay tình trạng nợ nần để duy trì sự ổn định của thị trường tài chính.

Hiện nay mối quan ngại lớn nhất của giới chức Trung Quốc là những căn hộ chưa hoàn thành. Evergrande có gần 800 dự án đang trong quá trình xây dựng, rải khắp hơn 200 thành phố trong cả nước. Ước tính của Barclays cho thấy có đến 1,6 triệu căn hộ đã được người mua thanh toán xong tiền nhưng chưa giao nhà. “Hoang man, lo lắng là tâm trạng chung của chúng tôi lúc này, cảm giác như mình là những con kiến đang bò trên chảo nóng vậy. Khoản đầu tư 124.000 USD của tôi có nguy cơ biến thành con số 0 tròn trĩnh và tôi chẳng thể làm được gì ngoài việc ngồi chờ đợi trong vô vọng” – một khách hàng mua nhà của Evergrande cho hay.

Việt Anh