Cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande tàn phá thị trường chứng khoán Hồng Kông
Cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande đang tiếp tục khiến các nhà đầu tư ở châu Á lo lắng và làm dấy lên lo ngại về việc liệu khả năng vỡ nợ của tập đoàn đang gặp khó khăn của Trung Quốc có thể tràn sang các bộ phận khác của nền kinh tế hay không.
Cổ phiếu của Tập đoàn Evergrande giảm mạnh 10% tại Hồng Kông vào thứ Hai, chỉ đạt 2,28 đô la Hồng Kông (0,29 USD)/cổ phiếu. Tính đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu đã giảm 84% trong năm nay, giảm xuống dưới mức giá thời IPO năm 2009 là 3,5 đô la Hồng Kông (0,45 đô la).
Chỉ số Hang Seng hôm thứ Hai giảm 3,3%, chịu mức giảm tồi tệ nhất trong gần hai tháng, do các ngân hàng Trung Quốc, công ty bảo hiểm và các công ty bất động sản khác bị ảnh hưởng. Evergrande đang phải đối mặt với một số thời hạn quan trọng trong tuần này. Họ theo kế hoạch phải trả lãi cho một số khoản vay ngân hàng vào thứ Hai, theo Bloomberg. Gần đây, các nhà chức trách Trung Quốc đã thông báo với các ngân hàng lớn rằng họ sẽ không nhận được các khoản thanh toán đó. Evergrande đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận từ CNN Business về các khoản thanh toán đó. Và các khoản thanh toán lãi suất tổng cộng hơn 100 triệu USD sẽ đến hạn vào cuối tuần này cho hai trái phiếu của công ty, theo nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv. Thị trường trái phiếu và cổ phiếu Trung Quốc đại lục đã đóng cửa vào thứ Hai để nghỉ lễ và sẽ mở cửa trở lại vào thứ Tư.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs cảnh báo về “rủi ro gia tăng” từ thị trường bất động sản Trung Quốc. Họ cho biết trong một báo cáo nghiên cứu được công bố vào tối Chủ nhật: “Các quan ngại về Evergrande đang tăng lên và các dấu hiệu khó khăn về tài chính lan sang các nhà phát triển khác đang xuất hiện. Chính phủ Trung Quốc cần ‘kiểm soát cẩn thận’ khả năng vỡ nợ hoặc tái cơ cấu của Evergrande, đồng thời đưa ra thông điệp rõ ràng để giúp củng cố niềm tin và ngăn chặn hiệu ứng lan tỏa”.
Evergrande có khoảng 200.000 nhân viên, đạt doanh thu hơn 110 tỷ USD vào năm ngoái và có hơn 1.300 bất động sản. Các khoản nợ khổng lồ của họ được nắm giữ rộng rãi bởi các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư bán lẻ, người mua nhà và các nhà cung cấp trong ngành xây dựng, vật liệu và thiết kế.
Như Anh