Có nên hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp chịu tác động của dịch Covid-19?

Đây là câu hỏi được các thành viên Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận tại cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Cụ thể tại cuộc họp, Chính phủ đưa ra một loạt đề xuất về miễn, giảm thuế, phí trị giá 21.300 tỷ đồng nhằm hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, điển hình như: giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng; giảm 30% thuế VAT; miễn các loại thuế với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh năm 2021; miễn tiền phạt chậm nộp thuế… Dự kiến thực hiện các giải pháp này trong năm 2021 sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí là khoảng 118.000 tỷ đồng, trong đó: số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn dự kiến khoảng 115.000 tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 3.000 tỷ đồng.

Mặc dù đồng ý với các đề xuất của Chính phủ song các thành viên Thường vụ Quốc hội cũng đặt nghi vấn tại sao chỉ giảm các loại thuế, phí mà không dùng ngân sách hỗ trợ giảm lãi suất trực tiếp cho doanh nghiệp? Nhấn mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về dòng tiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng đồng thời làm một phép tính nhỏ chỉ cần hỗ trợ giảm lãi suất khoảng 2.400 tỷ đồng đã có thể huy động hơn 60.000 tỷ đồng cho nền kinh tế.

Đồng tình với ý kiến của ông Vũ Hồng Thanh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng Chính phủ cần xem xét, bổ sung hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. “Mặc dù thời gian qua ngành ngân hàng đã làm rất tốt vai trò “bà đỡ”, tích cực đồng hành hỗ trợ, sẻ chia khó khăn với doanh nghiệp thông qua chính sách giãn, hoãn lãi vay… song xét về tổng thể vẫn nên có chính hỗ trợ lãi suất cụ thể đối với một số ngành, lĩnh vực chịu tác động mạnh. Về bản chất, hỗ trợ lãi suất bằng tín dụng không phải là chính sách về tín dụng mà là chính sách tài khóa, tức là chi bằng nguồn của ngân sách, chi bằng một khoản tiền rất ít nhưng kích hoạt được một khoản mấy chục nghìn tỷ đồng. Có thể thấy nếu so với dư nợ 10 triệu tỷ đồng của nền kinh tế thì con số này chỉ là hạt cát giữa sa mạc song lại rất cần thiết đối với một nhóm doanh nghiệp đang ngắc ngoải trong cơn bĩ cực” – người đứng đầu Quốc hội phân tích.

Đánh giá gói hỗ trợ lãi suất năm 2009 không phát huy hiệu quả, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị Chính phủ phân tích, mổ xẻ nguyên nhân để từ đó tìm hướng khắc phục. “Do chính sách chưa hiệu quả hay do khâu thực thi chưa tốt? Ví dụ ngân sách không hỗ trợ bù lãi suất kịp thời nên các ngân hàng không mặn mà” – ông Tùng gợi ý

Ghi nhận ý kiến đóng góp của các thành viên Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Bộ Tài chính đã bàn bạc với Ngân hàng Nhà nước về gói hỗ trợ lãi suất song từ kinh nghiệm triển khai gói kích cầu năm 2009 không hiệu quả, khó quản lý, phía Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị không triển khai gói hỗ trợ lãi suất trong năm nay. Đổi lại, Ngân hàng Nhà nước có chương trình giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp, với cam kết của các ngân hàng khoảng 24.500 tỷ đồng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng phải cân nhắc thận kỹ vấn đề hỗ trợ lãi suất bởi đây là chính sách rất khó thực thi. Đơn cử gói hỗ trợ lãi suất năm 2009 trị giá hơn 16.000 tỷ đồng song mới chỉ giải ngân được 14.000 tỷ đồng và đến nay vẫn chưa quyết toán xong vì nhiều lý do.

Lắng nghe giải trình các khó khăn, khúc mắc từ phía lãnh đạo ngành tài chính, ngân hàng song Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vẫn giữ nguyên quan điểm, yêu cầu tiếp tục nghiên cứu về gói hỗ trợ lãi suất bởi ngay thời điểm khốn khó hiện nay, dòng tiền mới là yếu tố quyết định sự tồn tại hay không tồn tại của doanh nghiệp. Tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội khuyến nghị việc giảm lãi suất cho doanh nghiệp không nên triển khai tràn lan mà chỉ áp dụng cho một số đối tượng, lĩnh vực chịu tác động lớn

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên Bộ Tài chính cần báo cáo Chính phủ rà soát, bổ sung thêm chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp.

Theo trình tự, dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động bởi dịch Covid-19 sẽ được gửi lại để từng thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và Chủ tịch Quốc hội sẽ ký ban hành trước ngày 1/10/2021.

Duy Anh