CEO Tim Cook và hành trình xây dựng pháo đài bất khả xâm phạm mang tên Apple
Với 2.300 tỷ USD vốn hóa, Apple tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng công ty giá trị nhất thế giới và là doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất trong ngành công nghệ toàn cầu với con số doanh thu khủng 63,9 tỷ USD/năm. Trong thành công của “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ hôm nay không thể không kể đến vai trò cầm trịch của CEO Tim Cook…

Dấu ấn năm đầu gia nhập Apple
Năm 1998, sau cuộc phỏng vấn đầu tiên không quá 5 phút với Steve Jobs, Tim Cook chính thức được bổ nhiệm vào vị trí Phó chủ tịch cấp cao phụ trách hoạt động trên toàn cầu của Apple, mở ra thời kỳ huy hoàng mới cho Apple sau giai đoạn bứt phá thần tốc cùng huyền thoại Steve Jobs
Trước khi về “mái nhà chung” Apple, Tim Cook là một chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực cung ứng ở hãng Máy tính Compaq. Mang kinh nghiệm tích lũy cùng khả năng lãnh đạo được nhận xét là thiên bẩm của mình vào thực tiễn làm việc tại Apple, Tim Cook nhanh chóng nhận ra chuỗi cung ứng, hàng tồn kho của công ty đang gặp vấn đề và ngay lập tức bắt tay vào cắt giảm lượng trữ kho, giảm chu kỳ hàng tồn kho của Apple từ 30 ngày xuống còn 6 ngày. Có thời điểm vào năm 1999, lượng hàng tồn kho thậm chí còn giảm xuống còn 2 ngày, qua đó giúp tiết kiệm đáng kể chi phí kho hàng cho Apple
Cũng trong năm đầu tiên làm việc tại Apple, Tim Cook đã chi 100 triệu USD để đặt chỗ trước các chuyến bay vận tải xuyên suốt dịp lễ nhằm đảm bảo cho việc mở bán suôn sẻ mẫu iMac G3 trên toàn cầu mà không phải lo lắng đến các vấn đề vận chuyển quá tải vào dịp mua sắm cao điểm. Kết quả khi các đối thủ của Apple bị đẩy vào thế khó, đối mặt với tình trạng không thể tìm được đơn vị vận chuyển hàng hóa trong mùa bán hàng sôi động nhất năm thì iMac G3 lại gặt hái thành công vang dội, trở thành minh chứng sống cho quyết định sáng suốt của Tim Cook.
Năm 2012, một bài báo trên tờ The Atlantic đã ca ngợi Apple vì khả năng bán sạch hàng tồn kho và nhập hàng mới mỗi 5 ngày một lần. Việc Apple đều đặn tung ra, sản xuất, và giao hàng triệu chiếc iPhone trên toàn thế giới mỗi năm mà vẫn đảm bảo số hàng tồn kho ở mức tối thiểu thực sự là một phép màu của việc toàn cầu hóa sản xuất “Just In Time”.
Thống lĩnh trên cả mảng sản xuất lẫn kinh doanh
Cây bút San Oliver của trang Apple Insider cho biết để kích thích lượng tiêu thụ, gia tăng doanh số, Tim Cook thậm chí đã cắt giảm từ 100 xuống chỉ còn 24 nhà cung cấp, qua đó buộc các nhà cung cấp còn lại phải cạnh tranh khốc liệt lẫn nhau nếu muốn giành được đơn hàng từ Apple.
Danh sách kiểm tra, đánh giá nhà cung cấp của Apple cũng đặc biệt khắt khe với 500 tiêu chí khác nhau gồm quyền lao động, sức khỏe, an toàn, môi trường, đạo đức và hệ thống quản lý. Nếu nhà cung cấp không đáp ứng được các quy tắc và tiêu chuẩn của Apple, họ sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.
Còn trong mảng sản xuất, Tim Cook yêu cầu Foxconn – đối tác sản xuất lớn nhất của Apple và các đối tác khác phải tuân theo các yêu cầu về tính thẩm mỹ, chất lượng do chính Steve Jobs và nhà thiết kế Jony Ive đặt ra. Đội ngũ kỹ sư của Apple cũng thường xuyên đến Trung Quốc để kiểm tra, đánh giá và cải tiến phần cứng cũng như dây chuyền sản xuất.
Tim Cook thậm chí có những “nước đi cao tay” hơn đối thủ bằng cách mua các linh kiện mới trước nhiều năm và thực hiện các giao dịch độc quyền đối với nhiều linh kiện quan trọng nhằm đảm bảo Apple luôn đi đầu. Những năm gần đây, thương chiến Mỹ – Trung ngày càng khốc liệt bược một số đối tác của Apple phải chuyển dây chuyền sản xuất iPhone, AirPods sang Ấn Độ và Việt Nam. Tuy nhiên việc thay thế công xưởng Trung Quốc không phải là câu chuyện một sớm một chiều.
“Táo khuyết” còn được biết đến với chính sách ký các hợp đồng dài hạn đối với một số nhà cung cấp chính. Gã khổng lồ công nghệ Mỹ sẵn sàng chi khoảng tiền lớn để đặt cọc trước nhằm thương lượng được chi phí thấp và số lượng dự trữ lớn nhất có thể. Cách làm này mang đến nhiều giá trị bền vững cho Apple, đồng thời giảm thiểu rủi ro, hạn chế đối thủ có thể mở rộng khả năng sản xuất hàng loạt.
Đây cũng là “tấm khiên chắn” vững vàng cho Apple trước cuộc khủng hoảng chip trên toàn cầu diễn ra từ năm 2020 đến nay. Cuối tháng 7/2021, Tim Cook đã xác nhận những con chip do Apple tự sản xuất vẫn đảm bảo đầy đủ về mặt số lượng. Tuy nhiên tình trạng thiếu hụt lại diễn ra đối với những loại chip thứ yếu, đảm nhận một số chức năng cơ bản như điều khiển màn hình hay giải mã âm thanh. Để tháo gỡ nút thắt này, nhiều khả năng Apple đang tích trữ chip dành cho thế hệ iPhone 13 của mình và chấp nhận đánh đổi thiếu hụt với những model đã bán ra thị trường.
“Quả ngọt” hơn 10 năm ở cương vị CEO
Theo tờ The New York Time, iPhone chính là sản phẩm bán chạy nhất và mang đến nguồn lợi nhuận khủng cho Apple. Sau khi chọn mua nhiều linh kiện (chip nhớ, mô đun camera, micro, màn hình cảm ứng…) từ các nhà cung cấp trên toàn cầu, Apple sẽ chuyển chúng đến các nhà máy lắp ráp ở Trung Quốc bằng đường hàng không để tiết kiệm thời gian và chi phí. Hệ thống nhà máy sản xuất của Foxconn có tổng cộng 94 dây chuyền sản xuất và có thể sản xuất hơn 500.000 chiếc iPhone/ngày, hơn 350 chiếc/phút.
Ngày 27/1, Apple công bố đã có hơn tỷ chiếc iPhone đang hoạt động trên toàn cầu và đây được xem là một thành tích xuất sắc của Tim Cook khi thiết kế và điều hành chuỗi cung ứng chưa từng có cho Apple. Còn theo ghi nhận của nhà phân tích Dan Ives của Wedbush Securities, Tim Cook cũng đã rất khéo léo khi giảm thiểu đến mức thấp nhất những ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung lên Apple.
Với hơn 10 năm đảm nhận vị trí CEO Apple, Tim Cook đã góp phần đưa iPhone trở thành sản phẩm công nghệ thành công nhất lịch sử và xây dựng nên một pháo đài bất khả xâm phạm mang tên Apple. Thời điểm tháng 11/2011, giá trị của Apple khi Steve Jobs qua đời vào khoảng 300 tỉ USD. Hơn 10 năm kể từ khi trở thành CEO, Tim Cook đã đưa giá trị vốn hóa của Apple lên mốc 2.300 tỉ USD, trở thành công ty công nghệ đầu tiên toàn cầu đạt cột mốc này. Dan Ives dự đoán Apple có thể chạm đến mức 3 nghìn tỷ USD trong 12 tháng tới.
Nếu như quý 3/2011, Apple ghi nhận mức doanh thu 28,57 tỉ USD thì trong quý 3/2021, con số này đã tăng lên 81,4 tỉ USD, cao gần gấp ba so với trước đó. Riêng iPhone chiếm gần 39,6 tỉ USD doanh thu Apple trong quý trước. Con số này cao hơn toàn bộ doanh số bán hàng của Apple vào thời điểm Cook nhậm chức CEO. Sự tài ba và bộ óc thiên tài của CEO Apple đã khiến tỷ phú lừng danh Warren Buffett không tiếc lời khen ngợi: “Tim Cook có thể không thiết kế được một sản phẩm như Steve Job song ông ta hiểu thế giới tới mức mà rất ít CEO nào tôi gặp trong hơn 60 năm qua có thể so sánh kịp”.
Duy Anh