Được phép hoạt động lại, ngành F&B vẫn ngập trong khó khăn

Thời điểm Tp.HCM thực hiện giãn cách, nền kinh tế Thành phố nói chung – ngành F&B nói riêng bị chựng lại đáng kể. Tuy nhiên ngay cả khi được phép hoạt động trở lại theo lộ trình, ngành này vẫn phải đối mặt với không ít thách thức…

Tổn thất của 4 mảng lớn của thương mại và dịch vụ theo tính toán của Nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế – Luật TP HCM.

“Bình thường mới” – Nên hay không?

Bà Đỗ Thị Ly Na – Giám đốc Lagom Group, đơn vị sở hữu Lagom Café, phục vụ cà phê, bia Bỉ và thức ăn tại chỗ cho biết sau đợt giãn cách dài ngày, doanh nghiệp này cũng gặp phải không ít khó khăn, nếu không nói là giai đoạn cam go nhất kể từ khi đi vào hoạt động. May mắn là ngay cả khi kết quả kinh doanh quý II, quý III/2021 bị ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng, Lagom Group vẫn còn khả năng cầm cự được vì đây đã là đợt bùng phát dịch lần thứ tư, doanh nghiệp cũng đã tích lũy được kinh nghiệm cũng như có sự chuẩn bị trên mọi phương diện.

Đồng cảnh ngộ với Lagom Group, đa phần các doanh nghiệp kinh doanh ăn uống, chuỗi F&B khác dù chưa đến bước đường cùng song cũng đã thực sự thấm mệt. Bà Nguyễn Thanh Vân – Giám đốc Tiếp thị chuỗi nhà hàng phong cách Nhật Bản Morico cho biết từ tháng 5 đến tháng 8, doanh nghiệp này trong tình trạng chi ra mà không có thu vào. Dù đã cố gắng cắt giảm tối đa các chi phí song phần chi phí thiết yếu (điện, nước, nhân lực…) vẫn ngốn một khoản không nhỏ.

Tương tự chuỗi The Vagabond với 3 cửa hàng cũng đóng cửa đến giờ và nếu tình trạng này kéo dài khoảng 2 tháng nữa, chuỗi buộc phải trả mặt bằng. Đại diện The Vagabond – anh Nguyễn Hoàng Việt cho hay kể từ đầu tháng 9, Tp.HCM bắt đầu tính đến việc cho mở cửa dần hoạt động kinh tế, gần đây nhất là cho hàng quán bán mang đi nội quận và đây thực sự là một động thái rất tích cực. “Mở cửa là hướng đi tất yếu nhằm cứu vãn nền kinh tế. Sau 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, Việt Nam cũng đang bắt đầu đi theo cách của các quốc gia khác trên thế giới. Bản thân The Vagabond cũng sẽ tham gia vào trạng thái “bình thường mới” bằng cách chuyển đổi mô hình sang tập trung bán online, thiết kế các sản phẩm đựng vừa trong các hộp tiện dụng để giao hàng” – anh Việt chia sẻ

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thanh Vân cũng cho rằng việc tái mở cửa nền kinh tế là cần thiết song song với việc chích vaccine đầy đủ cho người dân.

Còn theo bà Trần Lê Ánh Tuyết – chủ bếp chay online Yukikitchen ở Củ Chi (một trong hai địa phương được chọn làm thí điểm “bình thường mới” cùng với quận 7), việc mở cửa lại là điều nên và cần làm để phục hồi nền kinh tế dù có hơi trễ. “Tuy nhiên việc lấy Củ Chi, một huyện vùng ven là thí điểm mở cửa rồi áp dụng cho các quận trung tâm thì tôi không chắc về tính hiệu quả lắm” – bà Tuyết nói thêm.

Đi ngược với sự nôn nóng của các doanh nghiệp khác, Giám đốc Lagom Group lại có tâm lý thận trọng. “Tôi thì cho rằng cầm cự được thêm được ngày nào hay ngày đó. Như vậy các cơ quan chức năng sẽ có thêm thời gian để kiểm soát dịch tốt hơn. Chỉ khi nào bóc tách sạch F0 trong cộng đồng thì việc mở dần lại hoạt động mới có thể yên tâm được” – bà Ly Na nhấn mạnh.

Vẫn còn đó nhiều nút thắt

Bắt đầu từ ngày 9/9, Tp.HCM cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) được phép hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hằng ngày theo hình thức bán hàng mang về. Tuy nhiên việc được hoạt động trở lại sau thời gian dài “đóng băng” đối với các doanh nghiệp ngành F&B không đơn giản chỉ là quay lại nấu nướng, mở cửa và đón shipper mà vẫn còn rất nhiều bài toán khác cần lời giải.

Như ban lãnh đạo chuỗi Đậu Homemade, họ đón nhận niềm vui mở cửa trở lại với tâm lý khá thận trọng và đang chờ đợi các hướng dẫn chi tiết từ phía cơ quan quản lý để có thể tái khởi động an toàn. “Tuy nhiên để mở cửa lại cùng lúc tất cả 8 cửa hàng sẽ rất khó do nhân sự của chúng tôi cũng đã về quê rất nhiều, nhu cầu thị trường nói chung hãy còn thấp. Đó là chưa kể đến chi phí xét nghiệm định kỳ cho nhân viên; khó khăn về nguồn nguyên liệu, nhất là trong khâu vận chuyển… Có lẽ chúng tôi sẽ cần một thời gian dài chuẩn bị mới có thể quay về trạng thái ban đầu” – đại diện lãnh đạo Đậu Homemade chia sẻ.

The Vagabond cũng có nỗi lo chung về chuỗi cung ứng như Đậu Homemade. Anh Việt cho biết việc mua nguyên liệu đang rất khó khăn, giá thành lại cao và không có nhiều sự lựa chọn. Đây là thách thức với các nhà hàng phải nhập khẩu nguyên liệu hoặc chọn lọc nguyên liệu tốt để đảm bảo hương vị món ăn và uy tín thương hiệu. “Kế hoạch “thẻ xanh”, “thẻ vàng” của Thành phố chỉ có thể giúp tháo gỡ các rào cản mang tính ngắn hạn (thiếu shipper, giao hàng liên quận…) còn các khó khăn khác thuộc về nội lực thì bản thân doanh nghiệp vẫn phải tự mình xoay sở” – anh Việt cho hay.

Về phía Morico, bà Nguyễn Thanh Vân cho biết doanh nghiệp này đang thiếu vốn vì đã chi cho khoảng thời gian giãn cách xã hội. Nếu mở cửa lại cũng rất khó khăn trong việc sắp xếp vận hành vì Morico hoạt động theo chuỗi cần sự đồng nhất, theo qui trình xuyên suốt từ đầu đến cuối. Theo bà Vân, đối với các doanh nghiệp lớn theo chuỗi, nếu được trợ giá điện, nước, mặt bằng sẽ giúp giảm thiểu khó khăn trong nguồn tiền đầu tư cho việc quay trở lại vận hành.

Còn bà Đỗ Thị Ly Na thì đặt ra 3 kỳ vọng với chính quyền Tp.HCM khi mở cửa lại dần ngành dịch vụ ăn uống. Thứ nhất, sớm đạt mục tiêu bao phủ vaccine Covid-19 cho toàn dân. Thứ hai, Thành phố có phương án kiểm soát chặt chẽ người dân ra đường, nhất là qua ứng dụng. Thứ ba, Thành phố có chính sách thuế và các gói hỗ trợ tài chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm thời gian phục hồi.

Hồng Anh