Tháo gỡ khó khăn, tạo đà cho ngành chăn nuôi ổn định và phát triển qua đại dịch

Nhằm tìm kiếm giải pháp hữu hiệu giúp ngành chăn nuôi thoát khỏi tình trạng lao đao vì dịch bệnh, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn và định hướng phát triển ngành chăn nuôi theo hình thức trực tuyến

Trang trại chăn nuôi heo của Vissan. Ảnh: Vissan

Tại Hội nghị, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa ra 2 kịch bản cho ngành chăn nuôi: thứ nhất, người chăn nuôi thua lỗ, nhiều nhà máy sản xuất thức ăn vừa và nhỏ có thể bị phá sản, tình trạng mất cân đối cung cầu dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng; thứ hai, người chăn nuôi lỗ nặng, sức mua thị trường giảm dẫn tới nguy cơ ngừng tái đàn, nguồn cung thịt thiếu hụt.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi, 2 kịch bản trên hoàn toàn có thể xảy ra và ngành chân nuôi đang phải đối diện với không ít thách thức. Theo đó ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng, đẩy giá vật tư đầu vào của sản xuất tăng kéo theo giá thành sản phầm chăn nuôi cũng tăng rất cao. Đặc biệt tình trạng thiếu hụt nhân lực do bị nhiễm Covid-19 đẩy không ít nhà máy, cơ sở sản xuất, giết mổ, chế biến vào tình trạng phải ngưng sản xuất. Chưa kể các chuỗi cung ứng vật tư đầu vào cũng như phân phối sản phẩm đầu ra cũng bị gián đoạn do các chợ đầu mối, chợ truyền thống hay các cửa hàng thực phẩm đều đóng cửa…

Bên cạnh khó khăn trong khâu sản xuất còn phải kể đến khó khăn trong khâu lưu thông; nhiều sản phẩm quá lứa, ứ đọng sản xuất nên người nuôi khó tái đàn. Hiện ở khu vực Đông Nam Bộ và ĐBSCL, giá tiêu thụ sản phẩm rất thấp, trong đó giá gà công nghiệp trắng chỉ dao động ở mức 6.000-10.000 đồng/kg (giá thành 27.000-29.000 đồng/kg). Hiện nay, một số doanh nghiệp lớn nuôi gà công nghiệp trắng chỉ tiêu thụ khoảng 5-10%, và 50% số gà này quá lứa trên 3,8 kg một con; gà lông màu tiêu thụ được khoảng 50-70%, lợn tiêu thụ khoảng 70-80%.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh Đồng Nai, Nghệ An, Phú Thọ… cũng thừa nhận ngành chăn nuôi tại các địa phương này đang trong tình trạng lao đao vì đại dịch; trong đó không thể không kể đến các khó khăn trong khâu sản xuất và tiêu thụ, khâu lưu thông khiến doanh nghiệp tăng chi phí và ách tắc hàng hoá.

Ở một số địa phương vẫn còn tình trạng chưa thống nhất các quy định về lưu thông hàng hoá; nhiều nơi còn quy định người ngồi trên phương tiện vận chuyển bắt buộc phải có kết quả phân tích PCR, không chấp nhận test nhanh và chỉ chấp nhận kết quả trong vòng 24 giờ hoặc 48 giờ; gây khó khăn cho doanh nghiệp trong khâu vận chuyển. Thêm vào đó là tình trạng thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực tại các cơ sở thực hiện “3 tại chỗ” do người lao động lo ngại dịch bệnh nên nghỉ làm. “Ngành chăn nuôi đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung, khả năng sẽ xảy ra sớm hơn vào 3 tháng cuối năm nay” – ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cảnh báo.

Để tháo gỡ khó khăn, tạo đà cho ngành chăn nuôi ổn định và phát triển, Phó Cục trưởng Nguyễn Văn Trọng đề nghị các cơ quan chức năng tổ chức kết nối, hỗ trợ các hợp tác xã, trang trại, công ty chăn nuôi mở rộng thị trường, đưa sản phẩm cung ứng trực tiếp thông qua hệ thống phân phối sẵn có một cách nhanh và mạnh hơn nữa. Đồng thời chú trọng đa dạng hoá kênh phân phối sản phẩm chăn nuôi, đẩy mạnh các sàn thương mại điện tử nhằm giảm áp lực kênh phân phối là siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Trước mắt cần ưu tiên trang bị thêm xe bán hàng lưu động để giúp người dân tiêu thụ sản phẩm; đảm bảo yêu cầu phòng dịch; nghiên cứu mở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối; đồng thời ưu tiên tiêm phòng vaccine Covid 19 cho các đối tượng hoạt động trong ngành chăn nuôi…

Còn theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, nếu tình trạng ách tắc trong lưu thông, phân phối cứ kéo dài thì người nông dân sẽ ngưng tái đàn và nguồn cung sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng. Chính vì vậy yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải kết nối tạo đầu ra cho nông dân, giúp họ tiêu thụ cũng như gia tăng giá trị nông sản, thực phẩm. Theo đó đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh chăn nuôi cần vay vốn để tái sản xuất và duy trì kinh doanh cần có phương án cụ thể để Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổng hợp. Sắp tới đây Bộ cũng sẽ có buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước để đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Duy Anh