Thống lĩnh thị trường phân phối dược phẩm – Cần một chiến lược dài hơi chứ không phải câu chuyện một sớm một chiều

Dù thị phần khá nhỏ song mảng dược phẩm bán lẻ vẫn thu hút sự tham gia của nhiều “ông lớn”. Chính điều này đã khiến nhiều chuỗi bán lẻ dược phẩm có thương hiệu rơi vào tình trạng thua lỗ kéo dài…

Những năm gần đây các chuỗi nhà thuốc có thương hiệu bắt đầu tăng tốc phát triển trong trong một thị trường bán lẻ mà khoảng 95% thuộc về các cửa hàng thuốc truyền thống; nổi bật trong đó có thể kể đến hai cái tên Pharmacity (được đầu tư bởi Mekong Capital) và Long Châu (thuộc FPT Retail) với tham vọng thống trị thị trường bán lẻ thuốc của Việt Nam

Hiện Pharmacity có 620 cửa hàng và đang phấn đấu nâng lên 1.000 cửa hàng trong năm nay. Để có nguồn lực phục vụ công cuộc mở rộng sắp tới, Maroon Bells – công ty mẹ của Pharmacity đã phát hành hơn 1.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi.  Theo sau Pharmacity là hệ thống nhà thuốc Long Châu với khoảng 300 cửa hàng và đang phấn đấu nâng lên từ 350 – 400 cửa hàng trong năm nay.

 Đặt trong bối cảnh thị trường bán lẻ điện thoại – laptop dần bão hoà, Long Châu trở thành động lực tăng trưởng dài hạn của FPT Retail và là “ván cược” lớn mà Ban lãnh đạo Công ty đặt rất nhiều kỳ vọng vào đó. Thời điểm năm 2020, khi Ban lãnh đạo FPT Retail tuyên bố tìm được “công thức thành công” cho Long Châu, chuỗi bán lẻ dược phẩm này đã không ngần ngại tăng tốc trong cuộc đua thị phần cùng Pharmacity.

Ghi nhận tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán của FPT Retail, năm 2020 doanh thu của Pharmacity đạt 1.912 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2019; còn doanh thu của Long Châu đạt 1.191 tỷ đồng. Những con số ấn tượng này đều bỏ xa các đối thủ còn lại như Phano Pharmacy doanh thu đạt 619 tỷ đồng, Medicare đạt 330 tỷ đồng, Watsons đạt 209 tỷ đồng.

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu của Long Châu đạt 1.336 tỷ đồng (vượt cả năm ngoái). Đáng chú ý chuỗi nhà thuốc này lại báo lãi 1 tỷ đồng sau thời gian dài chìm đắm trong thua lỗ. Điều này gây bất ngờ bởi hầu hết các chuỗi dược phẩm có thương hiệu của Việt Nam hiện nay đều đang thua lỗ nặng, thậm chí càng mở rộng số lỗ càng tăng. Tính đến hết năm 2020, ngoại trừ Phano Pharmacy thì không một chuỗi nào có lãi; tuy nhiên lợi nhuận của Phano cũng đang giảm dần về mức còn 4 tỷ đồng, biên lợi nhuận rất mỏng.

Việc liên tục mở thêm các cửa hàng mới khiến các thương hiệu bán lẻ dược phẩm phải trả giá đắt. Đơn cử năm 2020 vừa qua Pharmacity báo lỗ khoảng 421 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế vượt mức 1.000 tỷ đồng. Đồng cảnh ngộ, nhà thuốc Long Châu cũng lỗ 113 tỷ đồng nhưng bước sang năm 2021 cục diện đã thay đổi khi hệ thống này thông báo có lãi. Ban lãnh đạo FPT Retail khẳng định khoảng 90% số cửa hàng Long Châu mở mới gần đây có thể hòa vốn sau 6 tháng và chuỗi nhà thuốc này cũng đặt mục tiêu có lãi từ năm 2023.

Không chỉ cạnh tranh về thị phần, các chuỗi nhà thuốc có thương hiệu cũng đang trong cuộc chiến khốc liệt định vị thương hiệu trong tâm trí khách hàng bởi bao lâu nay người Việt Nam vốn có thói quen mua thuốc tại các cửa hàng thuốc nhỏ lẻ.

Có thể thấy ngành bán lẻ dược phẩm Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của chuỗi nhà thuốc MT với nguồn lực tài chính dồi dào, thương hiệu mạnh, công nghệ và sự dịch chuyển thói quen của người tiêu dùng hỗ trợ… Sự chuyển dịch từ kênh GT sang MT mang đến nhiều kỳ vọng về sự bứt phá của ngành này trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận đây thực sự là ván bài may rủi khi trước đó có không ít “ông lớn” trong ngành bán lẻ từng lấn sân sang ngành phân phối dược phẩm và đã phải dừng cuộc chơi sớm hoặc chùn chân. Đơn cử như trường hợp Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) mua lại chuỗi nhà thuốc An Khang từ cuối năm 2017 song những năm sau đó hầu như không mở rộng để tập trung cho Bách Hóa Xanh. Hay như Vingroup từng bắt đầu phân phối thuốc thông qua VinFa nhưng sau đó cũng phải đóng cửa sớm để tập trung cho dự án VinFast. Qua đây cũng có thể thấy được để thực sự thống lĩnh thị trường phân phối dược phẩm cần một chiến lược dài hơi chứ không phải câu chuyện một sớm một chiều

Ngọc Huyền