Tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu thông qua tăng cường ứng phó các vụ việc phòng vệ thương mại
Thời gian gần đây, các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng tăng và danh mục các sản phẩm của Việt Nam bị điều tra PVTM cũng ngày càng đa dạng hơn; qua đó không chỉ gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong nước mà còn làm giảm sức cạnh tranh trong xuất khẩu…

Quyết liệt vào cuộc
Theo thống kê của Cục PVTM – Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 6/2021 đã có 207 vụ việc PVTM do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam như sắt thép (chiếm 32% tổng số vụ việc), sợi (chiếm 8% tổng số vụ việc), nông sản, gỗ, lốp xe…
Riêng 6 tháng đầu năm, bên cạnh các vụ việc đã khởi xướng trước đó đang trong quá trình điều tra và các vụ việc rà soát hành chính hàng năm, rà soát cuối kỳ; Cục PVTM còn xử lý các vụ việc mới khới xướng như: Úc điều tra chống bán phá giá ống đồng, Pakistan điều tra chống bán phá giá thép cán nguội, Phiippines điều tra chống bán phá giá xi măng, Ấn Độ điều tra chống bán phá giá pin năng lượng mặt trời, Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá mật ong, Thổ Nhĩ Kỳ điều tra chống bán phá giá sợi kéo dãn toàn phần.
Đại diện Cục PVTM cho biết trong giai đoạn hiện nay các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng nhanh, cạnh tranh với ngành sản xuất của nước nhập khẩu đều rất dễ trở thành đối tượng bị điều tra PVTM. Điều quan trọng là việc bị điều tra PVTM sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng nhập khẩu từ Việt Nam so với hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường không bị áp thuế khác. Sản phẩm xuất khẩu bị áp thuế dễ dẫn đến việc các nhà nhập khẩu có thể sẽ chuyển hướng nhập khẩu, khiến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam bị giảm sút, thị phần bị thu hẹp và nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ mất thị trường.
Để tháo gỡ nút thắt này, thời gian qua Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành, Hiệp hội và doanh nghiệp liên quan triển khai các giải pháp ứng phó, xử lý hiệu quả với các vụ kiện PVTM nước ngoài; thường xuyên thực hiện cảnh báo sớm nguy cơ bị kiện chống bán phá giá; đồng thời đấu tranh ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh biện pháp PVTM.
Định kỳ hàng quý, Cục PVTM đều gửi danh sách cảnh báo sản phẩm có nguy cơ bị điều tra PVTM, điều tra lẩn tránh thuế PVTM cho các cơ quan quản lý trung ương và địa phương, các Hiệp hội, doanh nghiệp và các bên liên quan khác. Song song đó Cục còn thường xuyên phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam triển khai kiểm tra thực tế các trường hợp nghi ngờ lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ. Phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động cung cấp thông tin cho các đối tác thương mại lớn (như Hoa Kỳ, EU) về công tác phòng chống lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ và trao đổi với các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ về đề xuất xây dựng cơ chế cung cấp thông tin, phối hợp giữa hai bên trong quá trình đấu tranh với hành vi lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ.
Song song đó Bộ Công Thương còn tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về phòng chống lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Tích cực cung cấp thông tin, khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp không tiếp tay cho các doanh nghiệp có ý định, hành vi giả mạo, gian lận xuất xứ Việt Nam, lẩn tránh biện pháp PVTM.
Tăng cường năng lực phòng vệ thương mại cho ngành sản xuất trong nước
Đến nay sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Công Thương và các Bộ, ban ngành liên quan đã phát huy hiệu quả thiết thực. Trong một số vụ việc, các nước đã chấm dứt điều tra, không áp thuế hoặc áp thuế PVTM thấp đối với doanh nghiệp Việt Nam so với doanh nghiệp của các nước khác cùng bị điều tra; qua đó góp phần quan trọng trong việc giữ vững các thị trường xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh cho các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Đơn cử trong 6 tháng đầu năm nay, Hoa Kỳ đã không áp thuế chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp lớn xuất khẩu lốp xe ô tô, cá tra – basa của Việt Nam; Ấn Độ chấm dứt điều tra chống bán phá giá ván gỗ MDF, không áp thuế chống bán phá giá với xơ sợi staple nhân tạo của Việt Nam; Malaysia chấm dứt điều tra chống bán phá giá nhựa PET của Việt Nam; Úc kết luận sơ bộ ống thép chính xác của Việt Nam không bán phá giá và không nhận trợ cấp; Indonesia không áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với tôn lạnh Việt Nam; Canada chấm dứt điều tra trợ cấp đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu ghế bọc đệm của Việt Nam…
Ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục PVTM cho biết trong các tháng cuối năm 2021, khối lượng công việc về PVTM sẽ nhiều hơn và nặng nề hơn rất nhiều do dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp trên phạm vi toàn cầu; trong khi đó ngành sản xuất của Việt Nam cũng như hầu hết các quốc gia khác đều đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Trước tình hình trên, trong những tháng còn lại của năm, Cục PVTM sẽ tiếp tục tập trung xử lý các vụ việc PVTM đang bị điều tra, rà soát; nghiên cứu, đề xuất định hướng xử lý các vấn đề có thể mang lại hệ quả không tốt trong tương lai. Tiếp tục xử lý vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO mà Việt Nam đã khởi kiện nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngành sản xuất cá tra – basa trong nước (DS536). Tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện các hoạt động cảnh báo sớm, phòng chống lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp một cách có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường quản lý nhà nước nhưng vẫn đảm bảo thuận lợi hóa thương mại cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra Cục PVTM sẽ đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền phổ biến, đào tạo, nghiên cứu về PVTM; tiếp tục xây dựng hoàn thiện trang thông tin điện tử của Cục, duy trì bản tin điện tử, cảnh báo sớm hàng tuần, các báo cáo PVTM hàng tháng/hàng quý; cập nhật Danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra PVTM, lẩn tránh thuế; thực hiện khảo sát năng lực khởi kiện, kháng kiện của doanh nghiệp trong các ngành hàng trọng điểm. Đồng thời chú trọng các giải pháp tăng cường năng lực PVTM cho ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do; hoàn thành hệ thống cảnh báo sớm các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ bị kiện PVTM.
Thế Mạnh