Không đáp ứng kịp đơn hàng, doanh nghiệp ngành gỗ đối mặt với nguy cơ mất khách hàng
Nếu như thời điểm từ đầu tháng 8 đến đầu tháng 11 hàng năm, các doanh nghiệp gỗ phải vào guồng sản xuất tất bật để kịp thời gian giao hàng cho các đối tác ở Mỹ và châu Âu thì năm nay, mọi chuyện diễn biến theo chiều hướng xấu. Do tác động của dịch bệnh, khả năng doanh nghiệp hoàn thành kịp các đơn hàng là vô cùng thấp…

Chật vật duy trì hoạt động
Thống kê cho thấy đợt tái bùng phát dịch lần thứ tư diễn biến phức tạp và kéo dài khiến 60% doanh nghiệp ngành gỗ tại Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai – 3 địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 phải tạm ngưng hoạt động do không đáp ứng các tiêu chí sản xuất “3 tại chỗ”.
Còn theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM (HAWA), trong tổng số hơn 600 doanh nghiệp của Hội, hiện chỉ có khoảng 30-40% còn duy trì hoạt động song công suất đạt thấp, chỉ khoảng 35-40% so với thời điểm không có dịch.
Tại Bình Dương, số lượng doanh nghiệp còn duy trì hoạt động thậm chí còn ít hơn so với các tỉnh, thành khác do thời gian gần đây địa phương này bị biến chủng mới Delta hoành hành, số ca nhiễm Covid – 19 có sự gia tăng đột biến. Đây là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ tại Bình Dương không kịp hoàn thành đơn hàng để bàn giao cho đối tác trong những tháng còn lại của năm 2021. “Việc phát sinh nhiều ca bệnh cộng với chi phí sản xuất tăng cao, những khó khăn trong khâu vận chuyển nguyên vật liệu đầu vào…khiến các doanh nghiệp gỗ trên địa bàn không thể duy trì hoạt động” – đại diện Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho hay.
Đây cũng là khó khăn chung của ngành gỗ Đồng Nai khi ông Nguyễn Trí Phương – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh thông tin có rất nhiều doanh nghiệp gỗ trên địa bàn phải ngừng hoạt động do có số lượng lao động tập trung lớn, quy mô cơ sở vật chất không đảm bảo các điều kiện cần thiết cho việc triển khai phương án “3 tại chỗ”.
Nỗ lực vượt khó
Theo Phó Chủ tịch HAWA Nguyễn Chánh Phương, cao điểm xuất khẩu của ngành gỗ đã bắt đầu từ đầu tháng 8 đến đầu tháng 11; hầu hết đơn hàng phải giao cho đối tác ở Mỹ và châu Âu để họ cung ứng ra thị trường. Tuy nhiên trong năm nay do tác động của dịch bệnh nên khả năng doanh nghiệp hoàn thành kịp các đơn hàng là vô cùng thấp…”Hiện nay các thị trường xuất khẩu đồ gỗ chủ lực của Việt Nam như Mỹ, châu Âu… đang dần phục hồi, nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày càng tăng cao. Chính vì vậy nếu các doanh nghiệp gỗ Việt Nam không đáp ứng đủ số lượng sản phẩm theo đơn hàng đã kí từ trước, chắc chắn các đối tác sẽ tìm nguồn cung khác thay thế”– ông Phương nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tấn An – Phó Giám đốc Công ty Ván sàn Sao Nam (Bình Dương) cảnh báo nguy cơ mất đơn hàng, mất khách hàng trong thời gian tới là rất lớn. Nếu các doanh nghiệp Việt không đáp ứng được đơn hàng, chắc chắn khách hàng sẽ tìm đến đối tác tại các các khác. Một khi đã để mất khách hàng thì việc kết nối lại sẽ rất khó.
Hiện tại Tp.HCM, Bình Dương và Đồng Nai đều đã có những phương án thiết lập “vùng xanh” cho doanh nghiệp khởi động sản xuất, trong đó: Tp.HCM đưa ra 4 phương án hoạt động để doanh nghiệp lựa chọn mô hình phù hợp; Bình Dương đã triển khai mô hình “3 xanh” an toàn cho sản xuất; Đồng Nai thì thực hiện điều chỉnh “3 tại chỗ” thành “1 cung đường, nhiều điểm đến “vùng xanh”…
Tuy nhiên theo ghi nhận của các doanh nghiệp chế biến gỗ, việc khôi phục quá trình sản xuất ngay trong thời điểm dịch bệnh hoành hành là vô cùng khó. Đơn cử như tại Tp.HCM, một bộ phận lớn người lao động trong ngành gỗ đã hồi hương, chính vì vậy việc gọi những lao động này quay trở lại làm việc là không thể xuất phát từ quy định không được di chuyển giữa các địa phương vào lúc này. Thậm chí để duy trì hoạt động, nhiều doanh nghiệp chọn giải pháp tuyển nguồn lao động mới nhưng không khả thi do quá trình thử tay nghề, test Covid-19 với nguồn lao động mới cũng phải mất từ 3 đến 4 tuần…
Để vượt qua khó khăn, một mặt các doanh nghiệp ngành gỗ thương lượng mong khách hàng thông cảm lùi thời hạn giao hàng; mặt khác các doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ sớm phân bổ và ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân ngành gỗ để họ yên tâm quay trở lại sản xuất, trước tiên ưu tiên tiêm cho 100% lao động vùng dịch.
Huy Hùng