Đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt “bão” dịch

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid – 19 và những khó khăn cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt, thực hiện yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 và một số giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn

Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo Nghị quyết được xây dựng trên quan điểm nêu cao tinh thần tự lực, tự cường; huy động sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt vì mục tiêu hàng đầu là bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân và hoạt động của doanh nghiệp. Trong triển khai thực hiện đảm bảo nguyên tắc: “Lợi ích hài hòa – rủi ro chia sẻ” giữa nhà nước và doanh nghiệp; đảm bảo hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng chống dịch và sản xuất kinh doanh, theo tinh thần “chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”; kiên quyết không để xảy ra khủng hoảng y tế, khủng hoảng kinh tế – xã hội, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường trong thời gian nhanh nhất…

Nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cấp bách của doanh nghiệp bị tác động bởi đại dịch Covid-19, dự thảo Nghị quyết đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó tiếp tục đồng hành, chia sẻ, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp trên nguyên tắc khó khăn, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó có trách nhiệm tháo gỡ, giải quyết; trường hợp vượt thẩm quyền, phải chủ động báo cáo cấp trên trực tiếp xem xét, xử lý. Tập trung triển khai ngay các biện pháp tháo gỡ những điểm nghẽn, ách tắc trong sản xuất, kinh doanh với phương châm “sớm nhất – hiệu quả nhất”, nhằm giảm thiểu thiệt hại, tác động tiêu cực đối với khu vực doanh nghiệp. Phát huy tính sáng tạo, chủ động trong việc áp dụng các mô hình sản xuất, kinh doanh an toàn trong điều kiện đại dịch Covid-19. Trong hành động, luôn bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, đảm bảo hiệu quả, thực chất trong xử lý các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân. Các địa phương tập trung giữ vững các vùng an toàn dịch bệnh để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; ưu tiên thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp kịp thời, hiệu quả để kiểm soát dịch Covid-19, ổn định sản xuất, kinh doanh tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, kiên quyết không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, chuỗi lao động.

Dự thảo Nghị quyết cũng đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể phấn đấu đến hết năm 2021, lũy kế khoảng 1 triệu lượt doanh nghiệp, khách hàng được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó đại dịch Covid-19; khoảng 160.000 doanh nghiệp được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; khoảng 50.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; hàng trăm nghìn doanh nghiệp được tiếp cận các chính sách hỗ trợ về giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động…

Mục tiêu của dự thảo Nghị quyết là sớm kiểm soát được dịch bệnh để khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất; hỗ trợ tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch bệnh. Nhằm đạt được mục tiêu NÀY, dự thảo Nghị quyết đề ra 4 nhóm giải pháp trọng tâm gồm: thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng; hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp; nới lỏng các quy định, điều kiện về việc cấp, gia hạn giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam, đồng thời nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng trên cơ sở vẫn đảm bảo điều kiện tổng số giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm…

Căn cứ quan điểm, mục tiêu và tình hình thực tiễn, dự thảo Nghị quyết cũng đề xuất một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: có các chính sách, giải pháp miễn, giảm, giãn, hoãn các khoản thuế phải nộp, phí phải đóng (đoàn phí, kinh phí công đoàn; bảo hiểm xã hội; giá điện; thuế tiêu thụ đặc biệt và phí trước bạ đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển….); nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo hướng mở rộng đối tượng, phạm vi được áp dụng chính sách cho phù hợp với diễn biến thực tế của dịch bệnh; xem xét tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2021; đẩy nhanh việc nghiên cứu, đàm phán, công nhận lẫn nhau “hộ chiếu vắc xin” với các quốc gia, vùng lãnh thổ nhằm sớm mở cửa nền kinh tế khi điều kiện cho phép…

Quốc Huy