Mỹ-Trung tranh cãi về xóa bỏ trợ cấp nghề cá trong WTO

Việc Mỹ áp đặt các lệnh cấm nhập khẩu đối với hải sản do các tàu thuộc sở hữu của Trung Quốc đánh bắt liên quan đến lao động cưỡng bức, đồng thời việc Washington gia tăng áp lực đối với Bắc Kinh về vấn đề này cho thấy căng thẳng Mỹ-Trung đã lan sang một lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng đối với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để khôi phục uy tín của mình.
Trước sự hoài nghi và thất bại ngày càng tăng, WTO hy vọng sẽ đạt được một hiệp ước đa phương về trợ cấp đánh bắt cá vào cuối năm 2021 để chấm dứt tình trạng bế tắc kéo dài hai thập kỷ.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo sự bất hòa giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện có thể trở thành “điểm nóng” đe dọa các cuộc đàm phán khi chúng bước vào giai đoạn cuối. Lu Xiankun, một cựu nhà đàm phán thương mại cấp cao của Trung Quốc tại WTO, cho biết vào cuối tháng 7: “Thời gian hiệu lực còn lại cho các cuộc đàm phán là không đủ, sự khác biệt giữa các thành viên chính là rõ ràng, vẫn rất khó để sớm kết thúc [đàm phán] trợ cấp thủy sản và nhiều chuyên gia ở Geneva không hề lạc quan”.
Cuộc tranh luận về trợ cấp thủy sản hiện là cuộc đàm phán đa phương tích cực duy nhất đang được tiến hành tại WTO, lần đầu tiên được thảo luận vào năm 2001 trong khuôn khổ Vòng đàm phán thương mại Doha thất bại. Nó cũng được Liên hợp quốc xác định là một ưu tiên quốc tế vào năm 2015 theo các mục tiêu phát triển bền vững nhằm cấm các khoản trợ cấp có hại vào năm 2020 có thể dẫn đến đánh bắt quá mức. Kristan Hopewell, phó giáo sư tại Đại học British Columbia và là quan sát viên thân cận của WTO, nói: “Tương lai của WTO hiện như mành treo chuông”. Các thành viên vẫn chia rẽ về vấn đề này tại một cuộc họp của WTO vào giữa tháng 7 mặc dù tổng giám đốc mới của WTO Ngozi Okonjo-Iweala lạc quan rằng các cuộc đàm phán có thể được kết thúc trước khi kết thúc Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12 vào đầu tháng 12/2021.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Vương Văn Đào nói rằng Trung Quốc ủng hộ mong muốn kết thúc đàm phán đó,đồng thời tuyên bố sẽ tích cực tham gia vào giai đoạn tiếp theo của cuộc đàm phán. Tuy nhiên, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) Katherine Tai đã đề nghị thận trọng hơn, cho rằng văn bản dự thảo dài 8 trang hiện tại “chưa bao gồm các yếu tố cần thiết để đi đến kết luận”. Katherine Tai cũng từng thúc giục các thành viên WTO giải quyết vấn đề lao động cưỡng bức trên tàu cá, sau một đề xuất của USTR vào tháng 5.
Lu Xiankun nói: “Vấn đề cưỡng bức lao động trong lĩnh vực đánh bắt cá mà Mỹ nêu ra là khá nhạy cảm khi địa chính trị Mỹ-Trung vẫn căng thẳng, nó có thể trở thành tâm điểm cho sự thất bại của các cuộc đàm phán”.
Hạ An