Xóa bỏ rào cản bất cân xứng, nâng tầm đối tác chiếc lược ASEAN-Hàn Quốc
Trải qua chặng đường 54 năm hình thành và phát triển (8/8/1967-8/8/2021), Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày càng trưởng thành và lớn mạnh, có nhiều đóng góp quan trọng vào khối thịnh vượng chung của khu vực và trên toàn thế giới.

Theo Báo cáo hội nhập ASEAN năm 2019, ASEAN đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 3.000 tỷ USD năm 2018. Tuy nhiên khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 cùng với tác động của đại dịch Covid-19 đã kéo giảm đà tăng trưởng mạnh mẽ và làm trì hoãn đáng kể sự phục hồi kinh tế được mong đợi nhiều ở Đông Nam Á. Trong bối cảnh đó, ASEAN dành ưu tiên hàng đầu cho việc duy trì và nâng tầm hợp tác với các đối tác đối ngoại quan trọng, hướng tới thiết lập môi trường thương mại tự do và cởi mở, tạo động lực cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng của khu vực. Và một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của ASEAN hiện nay chính là Hàn Quốc.
Quan hệ đối tác Hàn Quốc- ASEAN bắt đầu từ năm 1989 và hiện đã trở thành quan hệ đối tác chiến lược. Trong hơn 30 năm qua, ASEAN và Hàn Quốc đã phát triển thành các đối tác kinh tế không thể thiếu của nhau và hiện ASEAN là đối tác thương mại, điểm đến đầu tư lớn thứ hai của Hàn Quốc. Theo đó cả hai bên đều thống nhất sẽ tăng cường quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Hàn Quốc trên cơ sở lấy cam kết hợp tác mạnh mẽ làm động lực chính
Ngoài ra cả ASEAN và Hàn Quốc đều có chung chí hướng trong các chính sách hướng ngoại và có chung triết lý lấy con người làm trung tâm của sự phát triển. Đây cũng chính là nền tảng vững chắc cho sự hợp tác bền vững về sau này. Trong đó cả Cộng đồng ASEAN và Chính sách hướng Nam mới đều lấy con người làm trung tâm trong các nỗ lực xây dựng cộng đồng; lấy cởi mở và tinh thần học hỏi làm động lực trong việc thúc đẩy đổi mới và công nghệ tương lai, hướng tới nền kinh tế cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4IR).
Qua hơn 30 năm nỗ lực dựng xây và vun đắp, quan hệ đối tác chiến ASEAN – Hàn Quốc đã có thêm động lực để nâng lên một tầm cao mới, cùng hỗ trợ lẫn nhau phát triển vì mục tiêu hòa bình, ổn định trong khu vực. Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn đó không ít thách thức trong quan hệ hợp tác giữa hai bên; trong đó thách thức lớn nhất chính là sự bất cân xứng hiện có giữa ASEAN và Hàn Quốc. Thời gian qua, nhiều quốc gia thành viên ASEAN đã phải lên tiếng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về tình trạng mất cân bằng thương mại ngày càng tăng với Hàn Quốc, chính vì vậy yêu cầu cấp thiết lúc này là phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thúc đẩy mở rộng thương mại theo hướng cân bằng hơn.
Không chỉ lĩnh vực thương mại mà sự bất đối xứng còn thể hiện trong giao lưu văn hóa và xã hội. Sự phổ biến lâu đời của văn hóa đại chúng Hàn Quốc ở ASEAN đã góp phần to lớn vào việc quảng bá hình ảnh tích cực của Hàn Quốc trong giới trẻ Đông Nam Á. Theo một cách nào đó, làn sóng Hàn Quốc đã truyền cảm hứng cho nhiều thanh niên ASEAN khám phá tương lai của họ ở Hàn Quốc, và thực tế là đã có hơn 64.000 sinh viên Đông Nam Á hiện đang theo học tại các trường đại học của Hàn Quốc. Tuy nhiên, số lượng sinh viên Hàn Quốc đến Đông Nam Á với mục đích duy nhất là theo đuổi việc học lại khá ít ỏi.
Mặc dù hiện nay ASEAN là điểm đến du lịch ưa thích nhất của người Hàn Quốc song vẫn cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa để tạo ra “làn sóng ASEAN”, thúc đẩy sự quan tâm và hiểu biết rộng rãi hơn về ASEAN, về văn hóa Đông Nam Á tại Hàn Quốc. Cuối cùng, Hàn Quốc cũng cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN trong giải quyết các vấn đề khu vực cũng như toàn cầu (đại dịch Covid – 19, biến đổi khí hậu…). Việc cùng chiến đấu trên các mặt trận chiến lược chắc chắn sẽ mang lại cho quan hệ đối tác ASEAN-Hàn Quốc một nền tảng vững chắc hơn và phù hợp hơn trong các vấn đề khu vực.
Bảo Quốc