Khi hoà bình không đến từ chiến tranh

Có những sự thật sừng sững như trái núi. Nhưng con người vì mưu toan lợi ích của mình mà đều phớt lờ không nói. Nói ra để biết rằng, chạy đua về sức mạnh chỉ là vô ích với một cộng đồng thế giới văn minh có đầy đủ luật pháp để giữ gìn cho một thế giới hoà bình không cần dùng đến bạo lực và vũ khí diệt chủng.

Chiến tranh rồi sẽ bị loại bỏ. Trong tương lai, lá bài lấy chiến tranh để giải quyết tranh chấp giữa các cường quốc có lẽ sẽ không bao giờ phải dùng tới. Bởi một lẽ rất đơn giản, các nước này đều nắm trong tay vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí sinh học giết người hàng loạt. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, chỉ một con vi rút nhỏ cũng đã khiến cả thế giới điêu đứng khổ sở. Nói cách khác, thế giới có thể bị diệt chủng hoặc xoá sổ bởi một con siêu vi rút nếu nó kinh khủng hơn Covid-19 trăm lần. Mà tất cả những con vi rút này đều có thể tạo ra từ phòng thí nghiệm.

Vậy thì chiến tranh giải quyết được vấn đề gì? Chẳng giải quyết được gì ngoài sự chết chóc của cả hai phía cuốn theo sự diệt chủng và suy sụp kinh tế toàn cầu. Nếu chiến tranh thế giới lần thứ 3 xảy ra, chúng ta dự đoán nó sẽ như trận Đại hồng thuỷ, là một đại thảm họa khủng khiếp cho loài người như được nhắc đến trong truyền thuyết.

Chiến tranh sẽ không có bên nào là kẻ chiến thắng, bởi cho dù chiến thắng được đối phương thì đất nước của anh cũng đổ nát điêu tàn, dân chúng chết chóc tang thương, dịch bệnh hoành hành thảm khốc. Nói một cách khác, thắng được đối phương thì bản thân kẻ thắng trận cũng cụt chân cụt tay mù cả hai mắt. Biết được kết quả như vậy, sẽ chẳng còn ai muốn gây ra chiến tranh. Và sức mạnh quân sự trong tương lai chỉ dùng để đối phó với những tổ chức khủng bố hoặc cực đoan, giữ gìn trật tự ổn định của thế giới.

Mọi sự đã thay đổi, thế giới văn minh không ngừng chuyển biến. Trước hết, giải pháp vấn đề lãnh thổ và chủ quyền bằng hình thức chiến tranh truyền thống đã đi vào lịch sử. Năm 1648, Hiệp ước Hòa bình Westphalia được ký kết, quốc gia dân chủ hiện đại ra đời và các chuẩn mực quan hệ quốc tế về sự bất khả xâm phạm của chủ quyền quốc gia được thiết lập. Mặc dù các vụ việc xâm phạm chủ quyền quốc gia vẫn diễn ra phổ biến trong một thời gian dài sau đó, nhưng xu hướng chung của thế giới là tiếp tục tiến lên. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, xã hội loài người bắt đầu tôn trọng nguyên tắc chủ quyền quốc gia, hiếm có quốc gia nào dùng cường quyền để khuếch trương lãnh thổ của mình, mặc dù vẫn còn một số ít hiếm hoi cá biệt xẩy ra.

Thứ hai, hình thức và mục đích của chiến tranh cũng đã thay đổi. Trước thời cận đại, cho dù là vì lý do gì dẫn đến tranh chấp, hầu như tất cả các cuộc chiến đều kết thúc với mục đích mở rộng lãnh thổ, bởi vì thời đó sự tồn tại của loài người gắn liền với đất đai, với một lãnh thổ lớn hơn mang lại lợi ích lớn hơn. Sau thời cận đại, tình hình đã thay đổi, các cuộc chiến tranh không còn chỉ để mở rộng lãnh thổ mà để giành giật tài nguyên, đây cũng là đặc điểm chính của các cuộc chiến tranh thuộc địa trong thời hiện đại. Thế giới hiện đại tiến một bước xa hơn, tuy rằng vẫn xảy ra chiến tranh liên miên, nhưng mục đích của chiến tranh không chỉ là tranh giành tài nguyên hoặc tranh giành đất đai, mà là thu lợi từ việc bành trướng tư bản. Sự thay đổi này chủ yếu là do hệ thống đồng đô la Mỹ mà người Mỹ đã thiết lập trên khắp thế giới kể từ Thế chiến thứ hai.

Điều nghịch lý là thế giới ngày càng có xu hướng giải quyết tranh chấp mâu thuẫn bằng đối thoại thế nhưng chi tiêu quân sự của các nước ngày càng tăng. Chẳng hạn như chi tiêu quân sự trên thế giới tăng gần 2 nghìn tỷ USD năm 2020. Trong bảng xếp hạng quân sự trên thế giới, Mỹ có sức mạnh quân sự mạnh nhất, với ngân sách quốc phòng năm 2021 là 715 tỷ USD, Trung Quốc 209 tỷ đô la Mỹ rồi đến Nga vào năm 2020 là 61,7 tỷ đô la Mỹ. Với xu hướng đó và với sức mạnh quân sự và sức mạnh quốc gia tổng thể của các nước này thì khả năng phát động một cuộc chiến là điều không khó.

Chiến tranh cần chi phí, ngoài những chi phí trực tiếp còn có những chi phí gián tiếp. Nếu chiến tranh chỉ để đổi lấy danh dự, khiến một quốc gia mất đi những cơ hội phát triển lớn hoặc những lợi ích quy mô lớn, thì việc có nên tiến hành chiến tranh hay không cần phải cân đo đong đếm kỹ càng. Trong thời nay, không một quốc gia nào có thể chịu được một cuộc chiến mà không tính đến chi phí và lợi ích. Nếu không tính toán kỹ thì sẽ bị lịch sử trừng phạt. Tác động tiêu cực của Chiến tranh Afghanistan và Chiến tranh Iraq đối với Hoa Kỳ là sự trừng phạt cho việc phát động chiến tranh bất chấp cái giá phải trả.

Xuất phát từ những lý giải trên, nên biện pháp tốt nhất để giải quyết tranh chấp là thông qua con đường ngoại giao đàm phán. Bởi vì thông qua các nỗ lực ngoại giao, chúng ta sẽ đạt được sự cảm thông, hiểu rõ nhau, bớt đi căng thẳng, đi đến sự hòa hoãn để giải trừ sự đối địch và tìm ra giải pháp giải quyết tranh chấp trong hoà bình.

Ngày 9/7/2021 là kỷ niệm 50 năm chuyến thăm bí mật của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tới Trung Quốc. Kissinger năm nay đã 98 tuổi, ông tham dự các hoạt động kỷ niệm liên quan do Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc và Học viện Đối ngoại Nhân dân Trung Quốc phối hợp tổ chức thông qua cầu nối trực tuyến vào ngày hôm đó.

Trong một video được đăng trên trang web tiếng Anh của hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc “Global Times”, Kissinger nói: “Xung đột giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ chia rẽ thế giới. Nếu như hòng mưu đồ để các nước khác chọn bên đứng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, chỉ có thể mang lại nhiều áp lực và khiến tình hình trở nên gay cấn“.

Nhà ngoại giao lão thành này hồi tưởng lại năm 1971, cả Hoa Kỳ và Trung Quốc lúc ấy đều kỳ vọng giảm bớt căng thẳng bằng cách gác bỏ những khác biệt và tìm kiếm đối thoại. Ông tiếp tục chỉ ra: “Ngày nay, sau 50 năm, nhu cầu hợp tác giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn không hề giảm. Mối quan hệ giữa hai nước vẫn là yếu tố trọng yếu, thậm chí còn quan trọng hơn cả năm 1971“.

Kissinger thẳng thắn thừa nhận rằng vì lý do lịch sử và văn hóa, Hoa Kỳ và Trung Quốc có tầm nhìn khác nhau về một số vấn đề. “Mặc dù không phải mọi vấn đề đều có thể được giải quyết nhanh chóng, nhưng chúng ta nên ghi nhớ một tiền đề rằng chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ là một thảm họa khôn lường”. Kissinger kêu gọi hai bên tiếp tục phát huy tinh thần đối thoại để thúc đẩy hai nước và thế giới phát triển với mục tiêu chung là hoà bình và nỗ lực mở ra tương lai mới cho quan hệ hai nước. Trước đó vào tháng 4 năm nay, Kissinger cũng đã nhấn mạnh rằng, căng thẳng giữa hai đại cường quốc quân sự và công nghệ này có thể cuốn theo cả thế giới và dẫn đến xung đột như ngày tận thế.

Theo Tân Hoa xã, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn cũng đã ca ngợi tại lễ kỷ niệm 50 năm chuyến thăm bí mật của Kissinger tới Trung Quốc: “50 năm trước, chuyến thăm bí mật của Tiến sĩ Kissinger tới Trung Quốc đã góp phần cho chuyến thăm Trung Quốc sau đó của Tổng thống Nixon và xúc tiến ký kết thành công “Thông cáo Thượng Hải” (Three Joint Communiqués). Điều này thể hiện trí tuệ chính trị phi phàm và nghệ thuật ngoại giao tuyệt vời của các thế hệ lãnh đạo cha anh của hai nước, lật sang một trang mới trong quan hệ Trung-Mỹ và chính trị quốc tế, đồng thời làm thay đổi lịch sử một cách sâu sắc”. Ông nói tiếp: “50 năm qua, quan hệ Trung Quốc và Hoa Kỳ đã trải qua những thăng trầm nhưng vẫn tiếp tục tiến lên, mang lại lợi ích to lớn cho nhân dân hai nước, đồng thời cũng thúc đẩy mạnh mẽ hòa bình, thịnh vượng và ổn định của thế giới”.

Tuy nhiên, ông Vương Kỳ Sơn cũng nhấn mạnh: “Thách thức lớn nhất đối với Hoa Kỳ không phải là Trung Quốc mà chính bản thân Hoa Kỳ, chiến lược Trung Quốc của Hoa Kỳ phải tránh hình thành một vòng luẩn quẩn gây hiểu lầm và đánh giá sai. Miễn sao chúng ta giữ vững quan điểm [Cộng đồng cùng chung vận mệnh của nhân loại], thì các vấn đề giữa hai bên về cơ bản sẽ không bị đối lập và không thể không hòa giải được, từ đó sẽ tìm được một con đường chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi”.

Lịch sử chiến tranh cho chúng ta biết rằng bất kể khi nào, chiến tranh hay thậm chí chiến thắng của chiến tranh không nên là mục tiêu theo đuổi của một dân tộc hay một quốc gia. Những gì một quốc gia thực sự theo đuổi phải là những lợi ích hữu hình. Chiến tranh hay không chỉ có thể phụ thuộc vào việc cân nhắc đầy đủ lợi ích quốc gia và đánh giá được kết quả tai hại sau cuộc chiến. Cuối cùng thì ngồi xuống đàm phán để giải quyết tranh chấp là một biện pháp thông minh và sáng suốt nhất.

Phó Đức An