Sản xuất pin và ắc quy – Ngành công nghiệp của tương lai
Tập đoàn Vingroup vừa công bố thành lập hai công ty con với tổng giá trị đầu tư lên tới hơn 934 tỷ đồng, trong đó có VinES là doanh nghiệp chuyên về giải pháp năng lượng với hoạt động kinh doanh chính là sản xuất pin và ắc quy. Vậy lĩnh vực này giàu tiềm năng phát triển ra sao lại thu hút sự quan tâm đầu tư của tỷ phú Phạm Nhật Vượng?
Dẫn đầu xu thế
Trong nhiều năm trở lại đây, nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao và để giải quyết bài toán này, nhân loại đã dần chuyển đổi từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo. Hệ quả tất yếu của sự chuyển đổi này chính là sự bùng nổ trong ngành điện khí hóa và lưu trữ năng lượng trên toàn thế giới; trong đó sự phát triển vượt bật của ngành xe điện những năm gần đây kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu về pin và ắc quy lên một tầm cao mới.
Pin là một trong những bộ phận quan trọng nhất và cung cấp năng lượng giúp xe điện hoạt động, chính vì vậy tỷ lệ thuận với sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành xe điện thì ngành công nghiệp pin xe điện cũng phát triển theo, được ví như ngành công nghiệp bán dẫn thứ hai và là động lực tăng trưởng của thời đại mới. Thậm chí nhiều chuyên gia nhận định quốc gia nào có khả năng dẫn đầu ngành sản xuất pin xe điện ở thế kỷ 21 cũng đều sánh ngang vị thế của các cường quốc về dầu mỏ ở thế kỷ 20.
Theo báo cáo của Global Newswire, năm 2020 thị trường pin toàn cầu ước tính đạt 120,4 tỷ USD và dự kiến con số này sẽ tăng lên đến 279,7 tỷ USD vào năm 2027, đạt mức tăng trưởng kép 12,8%/năm trong giai đoạn 2020-2027 .
Những năm gần đây, ngành sản xuất pin có điều kiện thuận lợi phát triển nhờ giá các loại nguyên liệu thô cần thiết cho pin và động cơ xe điện (lithium, coban) có xu hướng giảm, thêm vào đó lợi thế quy mô của ngành này cũng ngày càng tăng cao. Chính hai yếu tố này đã góp phần kéo giảm chi phí sản xuất pin, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong ngành. Chưa kể pin ngày càng được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống, tạo động lực thúc đẩy ngành này tăng trưởng cao hơn nữa.
Ông chủ hãng xe điện Tesla Elon Musk từng lên tiếng dự báo đến năm 2022, rất có thể thị trường pin sẽ thiếu nguồn cung và để đối phó với tình trạng này, Tesla tăng cường mua pin từ các nhà sản xuất pin xe điện Hàn Quốc, bao gồm cả Công ty hóa chất LG.
Dĩ nhiên tốc độ tăng trưởng như vũ bão của ngành sản xuất pin cũng dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong ngành. Hầu hết họ đều đang phải nỗ lực trên nhiều khía cạnh (đảm bảo tính bền vững; quy trình sản xuất ổn định, cạnh tranh; tính an toàn và hiệu quả..), trong đó giảm thiểu tác động môi trường xuống là một trong những mục tiêu quan trọng mà các nhà sản xuất pin luôn hướng tới. Để làm được điều này đòi hỏi họ phải tìm nguồn cung ứng nguyên liệu thô bền vững, sử dụng các nguồn năng lượng sạch để cung cấp năng lượng cho quá trình sản xuất sản phẩm pin. Thậm chí một số nhà sản xuất pin còn xem xét đến việc thu hồi vật liệu từ pin hết hạn để tái chế…
Yêu cầu chủ động về nguồn nguyên liệu
Theo Giáo sư Kim Pil Soo – Khoa Kỹ thuật ô tô, Đại học Daelim Hàn Quốc, cuộc chạy đua về pin giữa các quốc gia có thể bị chi phối bởi nhiều yếu tố như: rủi ro đầu tư, trợ cấp Chính phủ, các vấn đề thương mại toàn cầu…. Chính vì vậy hoàn toàn không có sự ổn định về thị phần của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Hiện nay các quốc gia phát triển ở châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…đều dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển ngành sản xuất pin. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu thô cần thiết, Trung Quốc dùng đến chiến lược ngoại giao tài nguyên; Nhật Bản thì tăng cường kiểm soát nguồn dự trữ chiến lược với 34 loại kim loại quý hiếm (đất hiếm, coban…); phía Hàn Quốc thì tăng cường nhập khẩu nguyên liệu để bù đắp cho sự nghèo nàn về nguồn nguyên liệu kim loại tại quốc gia này. Dĩ nhiên chất lượng và khả năng sản xuất đại trà là rất quan trọng song việc đảm bảo nguồn cung nguyên liệu ổn định cũng giữ vai trò thiết yếu không kém.
Không như Hàn Quốc, Trung Quốc may mắn sở hữu nhiều mỏ kim loại, nguyên liệu phong phú; thậm chí có những kim loại, nguyên liệu họ nắm giữ tới hơn 50% trên toàn thế giới và triển khai áp dụng chiến lược tài nguyên. “Để thúc đẩy ngành sản xuất pin phát triển, các quốc gia cần chủ động về vấn đề nguồn nguyên liệu bởi bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung nào đều tác động tiêu cực đến quá trình sản xuất pin. Ngoài ra các nước cũng cần chú trọng phát triển công nghệ để thay thế các kim loại hiếm bằng vật liệu khác; từ đó giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thô nhập khẩu. Chỉ quốc gia nào chủ động được nguồn nguyên liệu mới có thể vươn lên dẫn đầu cuộc cạnh tranh khốc liệt, biến ngành công nghiệp pin thành động cơ tăng trưởng tương lai” – Giáo sư Kim Pil Soo nhấn mạnh.
Huy Hoàng