Các yếu tố phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh mới
Thương mại điện tử (TMĐT) là vấn đề thời sự, được quan tâm và có tiềm năng lớn trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thị trường TMĐT trong những năm gần đây có mức tăng trưởng nhanh và đã trở thành kênh mua sắm gần gũi với người dân. “Phát triển thương mại điện tử chờ đến khi thấy đủ, rõ cơ hội và thách thức, hay đặt phát triển TMĐT sau hoàn thiện khung pháp lý và hạ tầng thanh toán” – Đây chính là một trong những câu hỏi được đặt ra tại Hội thảo “Phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh mới: Yêu cầu và bước đi của Việt Nam”, diễn ra vào ngày 28/11.
Thương mại điện tử trở thành kênh mua sắm gần gũi với người dân
Bà Lê Thị Hà – Trưởng phòng Chính sách – Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết: “Công nghệ ngày càng phát triển, TMĐT không ngừng thay đổi về mô hình, phương thức hoạt động, về mức độ tham gia của các đối tượng liên quan: người sở hữu website, người bán, người mua, người cung cấp hạ tầng kỹ thuật, các đối tượng trung gian như thanh toán, vận chuyển…Bên cạnh đó, TMĐT trên nền tảng di động ngày càng chiếm ưu thế”.
Theo Báo cáo của Cục TMĐT và Kinh tế số, quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến qua các năm có tốc độ tăng trưởng ổn định trên 20%/năm. Năm 2017, quy mô thị trường bán lẻ đạt 6,2 tỷ USD (trung bình 1 người dân mua trực tuyến 186 USD/năm), tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử chiếm khoảng 3,6% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng cả nước. Dự kiến, đến năm 2020 quy mô thị trường thương mại điện tử ước đạt 10 tỷ USD (mua sắm trực tuyến của người dân ước tính tương đương 350 USD trong năm).
“Do đó, yêu cầu phát triển TMĐT sẽ trở thành một yêu cầu tự nhiên ngay cả khi không có chính sách phát triển TMĐT. Làm sao để thúc đẩy quá trình tự nhiên đó là điều quan trọng. Nếu Việt Nam không tiến nhanh thì các nước khác tiến nhanh hơn.” – Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh.
6 yếu tố phát triển TMĐT nhanh
Để phát triển TMĐT, theo ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban Ban Chính sách kinh tế vĩ mô CIEM, cần 6 yếu tố: Nhận thức, hạ tầng ICT an ninh, bảo mật, hạ tầng pháp lý, sở hữu trí tuệ và bảo vệ người tiêu dùng, hệ thống thanh toán điện tử và cuối cùng là nhân lực.
Lấy ví dụ về kinh nghiệm của Hàn Quốc trong phát triển TMĐT, ông Dương cho biết, Hàn Quốc – thị trường TMĐT lớn thứ 7 trên thế giới– có sự phát triển mạnh mẽ về TMĐT chính là nhờ sự dẫn dắt của khu vực tư nhân năng động dựa trên nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin đạt tiêu chuẩn quốc tế; đảm bảo yếu tố bảo mật và an toàn trong giao dịch điện tử và sự hậu thuẫn mạnh mẽ của chính phủ. Còn đối với Trung Quốc, sự thành công trong phát triển TMĐT chính là thay đổi hành vi người tiêu dùng, gia tăng nhanh thanh toán trực tuyến, thanh toán điện tử, đặc biệt là gia tăng xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt.
Đối với Việt Nam, về cơ bản đã có các quy định về quản lý, cung cấp sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet; quản lý tên miền; bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Nhưng còn những khoảng trống đáng kể về cạnh tranh trong thị trườngTMĐT, giá trị pháp lý của chứng từ điện tử (hợp đồng, hoá đơn điện tử).
Ông Dương cũng nêu ví dụ cụ thể về hậu quả dễ nhận thấy của khoảng trống này là cuộc tranh cãi chưa có hồi kết giữa các hãng taxi truyền thống với Uber, Grab. Hoặc một vấn đề khác vốn đã làm dậy sóng các thị trường TMĐT phát triển: tính toán chi phí kinh doanh khi có sự kết hợp giữa TMĐT với thương mại truyền thống… Chính sách khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt vẫn chưa phát huy tác dụng như mong muốn, khi mà tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt không có sự khác biệt gì (11,87%) ở thời điểm năm 2010 và quý 2/2018.
Đáng lưu ý, chuyên gia này cũng nhận định, tính an toàn và độ bảo mật thông tin trong lĩnh vực này tuy đã được chú ý nhiều hơn, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Một yếu tố khác liên quan đến việc phát triển TMĐT chính là nguồn nhân lực. Bà Phạm Chi Lan – Chuyên gia Kinh tế cho rằng, cần có thay đổi mạnh về đào tạo nhân lực bởi hiện nay, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này còn thiếu hụt cả về chất lượng và số lượng. “Cần có sự liên kết với nhau đặc biệt giữa các trường với doanh nghiệp để có thể đào tạo IT cho các học viên thuộc các chuyên ngành kinh tế khác” – bà Phạm Chi Lan đề xuất.
Do đó, để tạo điều kiện phát triển TMĐT, bà Lê Thị Hà đề xuất, cần sửa đổi Luật Thương mại năm 2005 theo hướng bổ sung một số quy định khung cơ bản về TMĐT; rà soát, nghiên cứu xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định 52/2013/NĐ-CP, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn phù hợp với thực tiễn phát triển. Đặc biệt, cần hoàn thiện Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TMĐT.
Minh Đường