Bắt nhịp tái cơ cấu kinh tế thời CMCN 4.0
Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 cần tập trung thay đổi cấu trúc và trình độ của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, hiện đại hóa từng bước các ngành kinh tế, năng suất lao động, Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế – TS. Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế quốc gia.
Máy móc thay thế lao động chân tay sẽ đẩy hàng triệu công nhân vào tình trạng thất nghiệp
Chuyển dịch cơ cấu lao động, ngành nghề
OECD và ILO cho rằng: CMCN 4.0 sẽ lấy đi việc làm của 66 triệu người lao động tại các nước phát triển trong những năm tới và những nghề có nguy cơ bị thay thế bởi robot là: 44% công nhân nhà máy, 40% nhân viên thu ngân, 20% lái xe taxi, 18% nhân viên chăm sóc khách hàng và 16% phi công.
Đồng thời, ILO cũng dự báo đến năm 2025 có khoảng 40,8 triệu lao động thuộc 4 nhóm ngành nghề chịu ảnh hưởng lớn bởi CMVN4.0. Dựa vào các đánh giá của ILO, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế quốc gia đã đánh giá: trong tiến trình phát triển của cuộc CMCN 4.0 sẽ có khoảng 20 – 40% lao động có khả năng bị chuyển đổi sang các nghề khác, thất nghiệp hoặc thiếu việc làm. Ước tính trong giai đoạn 2018 – 2015 sẽ có khoảng 8- 16 triệu lao động bị tác động/ảnh hưởng khi CMCN 4.0 thành công.
Tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế quốc gia đã thực hiện công trình nghiên cứu và đưa ra mô hình dự báo. Theo đó: giả sử từ nay đến năm 2025 các cơ sở sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế VN chuyển đổi từ phương thức sản xuất thấp (tương đương với cuộc CMCN thứ 2, thứ 3) sang cao hơn (tương ứng với CMCN 4.0) tì yêu cầu tối thiểu toàn bộ lao động trong các ngành Dệt may, Thương mại, Dịch vụ, Giải trí, Giao thông, Y tế, Giáo dục và Nông nghiệp phải có kỹ năng cần thiết để thực hiện thành công quá trinh chuyển đổi này. Khi đó, kết quả dự báo cho thấy: đến năm 2025 có khoảng 42,8 triệu người lao động thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng mạnh bởi CMCN 4.0 và khoảng 31 triệu lao động cần được đào tạo mới hoặc đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu và kỹ năng trong bối cảnh mới hoặc để chuyển đổi sang các nghề khác. Đồng thời nghiên cứu đưa ra nhận định những ngành, đối tượng ít có khả năng bị robot thay thế là Luật sư, Bác sĩ và Nhà nghiên cứu.
Tái cơ cấu thế nào
Theo các chuyên gia cho rằng, tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 sẽ tập trung thay đổi cấu trúc và trình độ của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực xã hội, hiện đại hóa từng bước các ngành kinh tế, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn. Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.
Khuyến nghị định hướng tái cơ cấu một số lĩnh vực, ngành nghề trong bối cảnh CMCN 4.0, nhóm nghiên cứu cho rằng trước hết cần có Chiến lược FDI thế hệ mới. Chiến lược FD thế hệ mới cần đảm bảo cải thiện tình hình đầu tư chung và hiệu quả thực hiện chính sách; chuyển tiếp thành công sang môi trường kinh doanh 4.0; Cải thiện và kết nối hiệu ứng lan tỏa của FDI. Đồng thời ưu tiên thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực công nghệ tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất thiết bị y tế, dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác. Ưu tiên thu hút vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và hiệu quả; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại; đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng CMCN 4.0.
Trong các lĩnh vực sản xuất, TS. Lê Huy Khôi – Bộ Công Thương nhận định: CMCN 4.0 mở ra cơ hội để phát triển các phương thức sản xuất, giúp tăng năng suất lao động , cải thiện hệ thống kết nối thông tin, tiết kiệm chi phí. Ddooir mới công nghệ sẽ giúp DN tiếp cận được công nghệ hiện đại và khối lượng dữ liệu khổng lồ về thị trường, khách hàng để xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả; đồng thời tối ưu hóa qui trình sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao chất lượng khâu tiêu thụ và chính sách hậu mãi. Ông cho rằng cần xây dựng và triển khai đánh giá toàn diện về mức độ sẵn sàng tham gia vào CMCN 4.0 đối với từng lĩnh vực cụ thể của toàn ngành công thương. Từ đó, xem xét và lựa chọn những ngành/lĩnh vực, các khâu của quá trình sản xuất để đầu tư, áp dụng trí tuệ nhân tạo.
Bình luận về định hướng tái cơ cấu kinh tế trong giai đoạn 2016-2025, TS. Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, chính sách của Việt Nam cần được chú trọng tăng cường đầu tư cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ cho sản xuất công nghiệp và phát triển thương mại. Đồng thời cần hoàn thiện hạ tầng pháp lý, tạo môi trường phát triển và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật cho thanh toán điện tử trong giao dịch thương mại và hỗ trợ phát triển các hình thức kinh doanh mới, phát triển lĩnh vực dịch vụ. Mặt khác cũng cần có những chính sách nhằm khắc phục mặt trái của CMCN 4.0 như: ô nhiễm môi trường, thất nghiệp, phân hóa xã hội, an ninh thông tin và các tác động không mong muốn khác.
Minh Đường