Asean chọn nhà ngoại giao Yusof của Brunei làm đặc phái viên tại Myanmar
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã bổ nhiệm Thứ trưởng Ngoại giao Erywan Yusof của Brunei, làm đặc phái viên của khối về Myanmar. Ông Yusof sẽ được giao nhiệm vụ làm trung gian hòa giải tình trạng bất ổn chính trị kéo dài kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ được bầu của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi để nắm quyền từ tháng 2 năm nay.

Thứ trưởng Ngoại giao của Brunei Erywan Yusof (đang phát biểu tại Liên Hợp Quốc) sẽ làm đặc phái viên của ASEAN tại Myanmar.
Trong một thông cáo chung được công bố ngày 4 tháng 8 (hai ngày sau cuộc họp ngoại trưởng ASEAN trực tuyến kéo dài 5 giờ), Hiệp hội các nước Đông Nam Á cho biết họ “hoan nghênh việc Chủ tịch ASEAN bổ nhiệm Bộ trưởng Ngoại giao II của Brunei Darussalam làm Đặc Phái viên về Myanmar”.
Công việc của ông Yusof tại Myanmar sẽ bao gồm “xây dựng lòng tin và sự tự tin với khả năng tiếp cận đầy đủ với tất cả các bên liên quan và cung cấp một mốc thời gian rõ ràng về việc thực hiện đồng thuận 5 điểm“, thông cáo đề cập đến một thỏa thuận rộng rãi đạt được tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo của ASEAN diễn ra tại Jakarta vào ngày 24 tháng 4.
Thỏa thuận này kêu gọi đối thoại mang tính xây dựng hướng tới một giải pháp hòa bình và bổ nhiệm một đặc phái viên, cùng các biện pháp khác. Tuy nhiên, tiến độ vẫn còn chậm chạp bất chấp sự thúc giục của các thành viên ASEAN như Indonesia, Thái Lan và Singapore để xúc tiến quá trình này.
Tại Brunei, Quốc vương Hassanal Bolkiah đồng thời là Ngoại trưởng và Thứ trưởng ngoại giao Yusof đã tham dự các cuộc họp cấp Bộ trưởng ASEAN kể từ hôm thứ Hai (2/8). Brunei hiện đang giữ ghế chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm nay.
Ông Bilahari Kausikan, cựu Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Singapore nói với Nikkei rằng: “Yusof là một nhà ngoại giao ASEAN dày dặn kinh nghiệm và là một sự lựa chọn tuyệt vời. Tôi hy vọng bạn bè và đối tác của ASEAN sẽ không tạo gánh nặng cho ông ấy với những kỳ vọng không thực tế và bằng cách đoán trước từng bước đi của ông ấy. Nhiệm vụ của ông ấy có nhiều khó khăn”.
Tuy nhiên, Kobsak Chutikul (một Đại sứ đã nghỉ hưu của Thái Lan, người đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở Myanmar), đã tỏ ra bực tức trước phản ứng chậm chạp của ASEAN và thất vọng trước sự bổ nhiệm muộn màng đối với ông Yusof.
Ông Kobsak nói với Nikkei: “ASEAN luôn đứng sau cuộc khủng hoảng ở Myanmar. Phải mất ba tháng để bổ nhiệm một chức danh cho một người đã nắm giữ ghế Chủ tịch ASEAN và được cho là đã dẫn đầu các nỗ lực ngoại giao từ trước đến nay”. Kobsak cũng thất vọng khi thông cáo chung không giải quyết được vấn đề quan trọng nhất trong quan hệ ASEAN-Myanmar hiện nay: cuộc khủng hoảng COVID-19 ở Myanmar hiện đang đe dọa cả khu vực.
Tình hình ở Myanmar đã trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo và sức khỏe cộng đồng, nhưng ASEAN (với sự thúc đẩy liên tục từ các cường quốc bên ngoài) đã bổ nhiệm đặc phái viên của mình chậm chạp và 5 điểm đã đạt được nhất trí cách đây 3 tháng để đối phó với cuộc khủng hoảng bắt đầu từ sáu tháng trước. Việc bổ nhiệm đặc phái viên đứng đầu chương trình nghị sự trong các cuộc thảo luận hôm thứ Hai, được tổ chức một ngày sau khi nhà lãnh đạo của chế độ quân sự Myanmar (Thượng tướng Ming Aung Hlaing), tự xưng là thủ tướng trong khi nhắc lại cam kết tổ chức bầu cử vào năm 2023. Các thành viên ASEAN bày tỏ “quan ngại” về tình hình Myanmar và ra lời kêu gọi trả tự do cho những người bị giam giữ chính trị, bao gồm cả công dân nước ngoài.
Minh Vương