Doanh nghiệp thuỷ sản đi tới cực hạn, VASEP cầu cứu Chính phủ

Để được phép tiếp tục hoạt động sản xuất trong mùa dịch, yêu cầu đặt ra là doanh nghiệp phải đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường – 2 địa điểm”. Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện thực hiện phương án này, kết quả là một số doanh nghiệp đã phải ngưng sản xuất, số còn lại cũng đang nỗ lực duy trì một cách khó khăn.

Cụ thể trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết hiện Hiệp hội có 270 doanh nghiệp thành viên, tập trung chủ yếu tại khu vực ĐBSCL và các tỉnh Nam Trung Bộ trở vào nên việc triển khai thực hiện cũng phải đối mặt với không ít thách thức.

Đến thời điểm hiện tại chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ” song nỗ lực duy trì sản xuất của các doanh nghiệp này cũng hết sức khó khăn do chi phí bỏ ra (chi phí xét nghiệm hằng tuần; chi phí trang bị các điều kiện cho công nhân ăn – ngủ – làm việc tại nhà máy; chi phí trả thêm lương công nhân ở lại nhà máy; chi phí nguyên vật liệu; chi phí vận chuyển…) tăng vọt.

Với những nhà máy còn hoạt động chỉ có thể huy động 30-50% số lượng lao động và chính tình trạng thiếu thốn nguồn nhân lực đã kéo công suất sản xuất của các nhà máy giảm mạnh tới 50 – 60% so với trước đây, đưa công suất chung toàn vùng giảm chỉ còn 30-40%. Các vật tư, phụ liệu, bao bì… phục vụ chế biến thủy sản cũng bị thu hẹp, giảm công suất nguồn cung đến 50%.

Do chi phí quá cao nên ngoài 30% doanh nghiệp đang hoạt động thì số còn lại không đủ điều kiện thực hiện “3 tại chỗ” đã phải ngừng sản xuất. Nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng nợ ngân hàng, nợ nhà cung cấp, mất khách hàng, rủi ro không huy động được công nhân sau giãn cách. “Có thể thấy việc thực hiện “3 tại chỗ” chỉ là biện pháp tình thế tạm thời, trong ngắn hạn. Đối với các doanh nghiệp vừa họ chỉ có thể kéo dài từ 2-3 tuần; các doanh nghiệp lớn hơn cũng chỉ có thể duy trì tối đa 4-5 tuần. Nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất và xuất khẩu thuỷ sản là rất lớn” – VASEP nêu trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn

Trước tình hình trên, VASEP kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ thiết thực cho công nhân, người lao động gặp khó khăn; hỗ trợ doanh nghiệp giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm 30% tiền điện ít nhất đến hết năm 2021… Ngoài ra Chính phủ cũng nên ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 cho ngành thủy sản, trong đó đặc biệt ưu tiên tiêm cho lực lượng lao động tại các nhà máy chế biến thuỷ sản đang áp dụng phương thức “3 tại chỗ” ở các địa phương. Nỗ lực này không chỉ giúp đảm bảo mục tiêu xuất khẩu, cung ứng hàng hóa mà còn giúp ngành thủy sản giữ được thị trường, đối tác xuất khẩu cũng như duy trì được sản xuất, công ăn việc làm cho rất nhiều lao động, bao gồm cả nông – ngư dân khai thác biển và sản xuất nguyên liệu.

Đặc biệt để nâng cao hiệu quả “sống chung với đại dịch”, VASEP kiến nghị về lâu dài Bộ Y tế cần tập trung hoàn thiện bộ quy tắc và tổ chức huấn luyện cho các tỉnh và doanh nghiệp thực hiện “y tế tại chỗ”. Để đảm bảo yêu cầu mỗi công nhân được xét nghiệm 3 lần/tháng, các doanh nghiệp sẽ phải chủ động sử dụng tổ y tế, trạm y tế của nhà máy, tự tổ chức xét nghiệm cho người lao động mỗi tháng 2 lần; còn lại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) sẽ tổ chức xét nghiệm cho doanh nghiệp mỗi tháng 1 lần. Về phía Bộ Y tế cũng cần có hướng dẫn xử lý kịp thời với các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” như phát hiện F0, chỉ khoanh vùng và cách ly khu vực có nguy cơ, phun khử khuẩn, xét nghiệm…

Quang Anh