Làm thế nào để giảm tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân nhiễm Covid-19?

Số ca tử vong do nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam đang tăng lên cho thấy  nhiều bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị truyền thống. Mà nguyên nhân gây tử vong chính của bệnh nhân nhiễm Covid-19 là hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS).

Tính đến ngày 30 tháng 7 năm 2021, toàn thế giới đã ghi nhận 197.584.113 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó số ca tử vong ước tính hơn 4,2 triệu người. Riêng ở Việt Nam, cho đến nay đã ghi nhận 137.062 trường hợp nhiễm bệnh và số ca tử vong theo thống kê từ Bộ Y tế đã vượt mức hơn 1.000 người.

Hầu hết những bệnh nhân nguy kịch và tử vong do nhiễm COVID-19 đều không có biểu hiện lâm sàng nghiêm trọng trong giai đoạn đầu của bệnh, một số trường hợp chỉ thấy có sốt nhẹ, ho hoặc đau nhức cơ. Những bệnh nhân này đột ngột xấu đi ở giai đoạn sau của bệnh hoặc đang trong quá trình hồi phục với sự xuất hiện của Hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS) và suy đa tạng xảy ra nhanh chóng, dẫn đến tử vong trong một thời gian ngắn. “Cơn bão cytokine” được xem là một trong những nguyên nhân chính gây ra ARDS và suy đa tạng ở những bệnh nhân này.

Theo các chuyên gia dịch tễ học, 67-85% số bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng bị suy hô hấp cấp và 61,5% số ca tử vong là do hội chứng này gây ra. Trong quá trình tương tác với COVID, hệ miễn dịch ở một số người đã “hăng hái” quá mức khi tiết ra một số lượng rất lớn các chất được gọi là cytokine tạo nên cơn bão. Cùng với các yếu tố khác, cơn bão cytokine là tác nhân quan trọng gây ARDS.

Các trường hợp ARDS được điều trị bằng thở máy, thuốc kháng viêm liều cao như Corticosteroid… Tuy nhiên, khi điều trị các trường hợp ARDS do Covid, thuốc Corticosteroid không những không ức chế được phản ứng miễn dịch bất lợi mà còn gây nhiều tác hại, có thể làm tăng nồng độ virus trong máu (ở những bệnh nhân không nằm ICU), dẫn đến bệnh nặng hơn.

Với khả năng điều hòa miễn dịch, khả năng giúp nuôi dưỡng, hồi phục các tế bào đường hô hấp, tế bào gốc trung mô đã được sử dụng trong 90 thử nghiệm lâm sàng. Kết quả từ các nghiên cứu cho thấy tế bào gốc đã giảm tỉ lệ bệnh nhân nặng, tỉ lệ tử vong và rút ngắn thời gian nằm viện. Tại Việt Nam, Bệnh viện Vinmec, Bệnh viện Vạn Hạnh và một số Bệnh viện khác đã có kinh nghiệm sử dụng Tế bào gốc trung mô cho bệnh phổi tắc nghẽn.

Tế bào gốc trung mô (Mesenchymal Stem Cell – MSC) là loại tế bào được tìm thấy trong hầu hết các mô trong cơ thể, có thể được phân lập dựa trên khả năng bám dính vào đĩa nuôi cấy nhựa và tăng sinh in vitro, có đặc điểm đặc trưng là khả năng biệt hóa thành các tế bào nguồn gốc trung bì (mỡ, sụn, xương) và biểu hiện một số phân tử bề mặt tế bào nhất định (CD73, CD90, CD105).

Ngoài các đặc tính gốc đó, MSC đã được chứng minh có khả năng điều hòa miễn dịch rộng rãi và có khả năng tác động đến cả phản ứng miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch thích ứng. MSC cũng có khả năng giải phóng các yếu tố kháng khuẩn, do đó kích thích sự thực bào của bạch cầu đơn nhân/đại thực bào. Hiện nay, MSC đã trở thành đối tượng được sử dụng nhiều nhất trong các thử nghiệm lâm sàng liệu pháp tế bào trên thế giới.

Rất mong các cơ quan chức năng của Bộ Y tế sớm có chỉ đạo để nhanh chóng tiến hành áp dụng và đánh giá kết quả của liệu pháp này nhằm giảm thấp tỉ lệ tử vong cho bệnh nhân mắc Covid-19.

Hoàng Oanh