Nỗ lực nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu và cơ hội cho Việt Nam, Ấn Độ

Tờ Thời báo Kinh tế của Ấn Độ (The Economic Times) đưa tin thương chiến Mỹ-Trung và đại dịch Covid-19 đã phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong nỗ lực chung nối lại chuỗi cung ứng này, Ấn Độ và Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trụ cột chính của các sáng kiến hoàn thiện chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cụ thể theo The Economic Times, trước đây các chuỗi cung ứng toàn cầu được thiết lập nhằm hướng tới chi phí thấp nhất. Tuy nhiên từ sau những tác động kinh hoàng của đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng đang được thiết kế, điều chỉnh lại theo hướng giảm thiểu tối đa các nguy cơ gián đoạn trong tương lai. Và một trong số những điều chỉnh này là dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc; trong đó Việt Nam và Ấn Độ nổi lên là các nguồn cung ứng thay thế đầy tiềm năng.

Như đã biết, Trung Quốc – quốc gia xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới đang phải đối mặt với hai thách thức lớn: khắc phục tình trạng dễ bị tổn thương do đại dịch Covid – 19 và giảm thiểu tác động của cuộc chiến thương mại với Mỹ lên chuỗi cung ứng. Việc chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc mang đến cơ hội cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Hiện Trung Quốc là quốc gia có tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất trên thế giới với thị phần xuất khẩu tăng từ 13,9% năm 2000 lên 26,9% vào năm 2018. Sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế Trung Quốc giai đoạn 2000 – 2018 cũng đã góp phần cải thiện đáng kể nguồn thu nhập, mang lại mức sống cao hơn cho người.

Trong gần 2 thập kỷ qua, lượng sản xuất ở ba quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất vào Trung Quốc đã tăng từ 11% – 14%/năm. Tuy nhiên đại dịch đã trở thành hồi chuông cảnh tỉnh cho các công ty phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà cung cấp Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, đa dạng hóa nhà cung cấp trở thành giải pháp hữu hiệu để tăng cường khả năng phục hồi, điều này đồng nghĩa với ít nhất một số dây chuyền sản xuất phải được dịch chuyển đến một nơi khác. Tuy nhiên trên thực tế, việc chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc vô cùng phức tạp.

Theo báo cáo quý 2/2021 của Công ty cung cấp dịch vụ kiểm soát chất lượng và chuỗi cung ứng QIMA, Việt Nam và Ấn Độ nổi lên như những nguồn cung ứng thay thế hiệu quả cho Trung Quốc. Cụ thể với Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong những năm gần đây đã đưa đất nước hình chữ S trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư FDI. Khảo sát về nguồn cung ứng toàn cầu của QIMA cho thấy 43% số doanh nghiệp tại Mỹ tham gia khảo sát cho biết Việt Nam nằm trong số ba thị trường mua hàng hàng đầu vào đầu năm 2021, chiếm khoảng 1/3 số người mua toàn cầu

Còn với Ấn Độ, báo cáo của QIMA cho thấy nhu cầu tìm nguồn cung ứng từ Ấn Độ đang tăng lên rõ rệt song làn sóng lây nhiễm Covid – 19 được xem là thách thức lớn có thể làm trì hoãn việc tìm kiếm nguồn cung từ quốc gia này. Mặc dù là thị trường hàng hóa tiềm năng đối với các mặt hàng khuyến mại, giày dép, mắt kính, đồ trang sức, phụ kiện song sự phục hồi của thị trường Ấn Độ lại phụ thuộc hoàn toàn vào cách đất nước này kiểm soát đại dịch.

Chính phủ Ấn Độ gần đây đã cho phép tối đa 100% dòng vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, hướng tới mục tiêu tăng tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất trong tổng số vốn FDI. Ngoài ra, nước này dự kiến chi khoảng 1,85 tỷ USD cho đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng tại các cảng nội địa quan trọng. Đặc biệt để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, chính phủ Ấn Độ cũng cho phép tối đa 100% vốn FDI vào các dự án liên quan đến cảng biển và dành ưu đãi miễn thuế 10 năm đối với việc xây dựng, bảo trì các cảng và bến cảng.

Có thể thấy trong hành trình tìm kiếm nguồn cung ứng thay thế Trung Quốc, cơ hội cho Ấn Độ và Việt Nam là rất lớn song đi kèm đó là không ít thách thức. Với sự vượt trội trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Ấn Độ hoàn toan có thể trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng của Mỹ. Theo đó xứ cờ hoa có kế hoạch xây dựng một “mạng lưới kinh tế thịnh vượng” với các quốc gia thân thiện, làm việc dựa trên các tiêu chuẩn tương đồng từ kinh doanh kỹ thuật số cho đến năng lượng, cơ sở hạ tầng. Và như vậy, Ấn Độ và Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành trụ cột chính của các sáng kiến hoàn thiện chuỗi cung ứng toàn cầu.

Duy Anh