Bất bình đẳng về vắc xin gây thiệt hại cho sự phục hồi kinh tế
Theo dữ liệu do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Đại học Oxford công bố hôm thứ Năm, sự bất bình đẳng về vắc xin đang làm suy yếu “sự phục hồi kinh tế toàn cầu” từ Covid-19.
Các tổ chức cho biết sự bất bình đẳng về vắc xin sẽ có “tác động lâu dài và sâu sắc” đến sự phục hồi ở các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp trừ khi hành động khẩn cấp được thực hiện để đảm bảo mọi quốc gia có đủ nguồn cung cấp và tiếp cận đầy đủ. Tuyên bố của các tổ chức khẳng định: “Vào thời điểm mà các quốc gia giàu có hơn đã chi hàng nghìn tỷ USD để thúc đẩy các nền kinh tế phát triển, bây giờ là thời điểm để đảm bảo liều lượng vắc xin được chia sẻ nhanh chóng, tất cả các rào cản đối với việc tăng cường sản xuất vắc xin được xóa bỏ và hỗ trợ tài chính được đảm bảo để vắc xin được phân phối công bằng và sự phục hồi kinh tế toàn cầu có thể diễn ra.
Nếu sản xuất vắc xin được tăng lên, các liều lượng vắc xin sẽ được chia sẻ đủ với các nước nghèo hơn và nếu họ có tỷ lệ tiêm chủng tương tự với các nước có thu nhập cao, 38 tỷ đô la có thể đã được bổ sung vào dự báo GDP năm 2021 của các quốc gia đó, theo dữ liệu được tổng hợp trong Bảng tổng hợp toàn cầu về bình đẳng vắc xin Covid-19.
Tuyên bố cho biết giá vắc xin cao “có thể gây căng thẳng lớn cho các hệ thống y tế mỏng manh”, ảnh hưởng đến việc chủng ngừa định kỳ và các dịch vụ y tế thiết yếu, đồng thời gây ra tăng đột biến các bệnh như sởi, viêm phổi và tiêu chảy.
Bảng tổng hợp toàn cầu về bình đẳng vắc xin Covid-19, sử dụng dữ liệu từ nhiều tổ chức bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và liên minh vắc xin Gavi, cho thấy các quốc gia giàu hơn được dự kiến sẽ tiêm chủng nhanh hơn và phục hồi kinh tế nhanh hơn. Trong khi đó, các quốc gia nghèo hơn, một số quốc gia thậm chí không thể tiêm chủng cho nhân viên y tế của họ và hầu hết các nhóm dân số có nguy cơ, “có thể không đạt được mức tăng trưởng trước Covid-19 cho đến năm 2024.
Khi các quốc gia giàu có với tỷ lệ tiêm chủng cao như Mỹ và Anh đang bắt đầu mở cửa, Delta và các biến thể coronavirus khác đang buộc một số quốc gia phải khôi phục các biện pháp y tế công cộng. Châu Phi hiện đang đối mặt với giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch, và các bệnh viện ở Nam Phi đã quá tải vì bệnh nhân. “Điều này đang làm xấu đi tác động xã hội, kinh tế và sức khỏe, đặc biệt là đối với những người dễ bị tổn thương nhất và bị gạt ra bên lề xã hội”.
Ở châu Á, Indonesia đã thế chân Ấn Độ trở thành tâm chấn mới của đại dịch, với hàng trăm ca tử vong mỗi ngày ở một quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng dưới 6%. Ở Thái Lan và Myanmar và trên khắp châu lục, số ca mắc và tử vong cũng tăng trong những tuần gần đây. Dữ liệu của CNN cho thấy hàng chục quốc gia có thu nhập thấp có tỷ lệ tiêm chủng chưa đầy 10 liều vắc xin trên 100 người, bao gồm Kenya, Bangladesh và Uganda. Một số quốc gia đã hết hoặc gần hết vắc xin. Lời kêu gọi hành động chung từ ba tổ chức được đưa ra một ngày sau khi Pfizer công bố thỏa thuận sản xuất vắc xin hiệu quả cao ở Nam Phi, một động thái có thể tăng đáng kể khả năng tiếp cận vắc xin trên khắp lục địa. Hầu hết các quốc gia nghèo hơn hiện đang phụ thuộc vào sáng kiến phân phối vắc xin toàn cầu COVAX, nhưng bị cản trở bởi các vấn đề cung cấp sau khi ngừng xuất khẩu từ Viện Huyết thanh của Ấn Độ, nơi đang sản xuất một số lượng lớn các liều vắc xin.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Sự bất bình đẳng về vắc xin là trở ngại lớn nhất của thế giới trong việc chấm dứt đại dịch này và phục hồi sau Covid-19”.
Nhật Anh