Hàng loạt ngân hàng vào cuộc triển khai chính sách giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh
Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và hưởng ứng lời kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng, nhiều ngân hàng đã bắt đầu triển khai chính sách giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đợt tái bùng phát dịch lần thứ tư.
Cụ thể Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã công bố giảm tối thiểu 0,5 điểm % với khoản vay ngắn hạn có lãi suất từ 5% một năm trở lên và tối thiểu 0,7 điểm % với dư nợ vay trung dài hạn (lãi suất từ 7% một năm trở lên), áp dụng đối với khoản vay tại thời điểm ngày 15/7 kéo dài đến hết năm 2021. Thông qua chính sách giảm lãi suất lần này, Agribank ước tính dành khoảng 5.500 tỉ đồng để hỗ trợ khách hàng; trong đó tất cả cá nhân và tổ chức vay vốn tại ngân hàng đều được hưởng ưu đãi (không áp dụng cho các khoản vay đã được ưu đãi lãi suất, miễn giảm lãi).
Cùng với Agribank, từ 15/7 đến hết ngày 31/12/2021, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng sẽ giảm lãi suất tiền vay đối với tất cả khách hàng hiện hữu. Cụ thể với khách hàng doanh nghiệp thuộc 9 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh sẽ được giảm lãi suất 1 điểm % một /năm; các doanh nghiệp thuộc nhóm khác được giảm lãi suất tối đa 1 điểm %. Đối với khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh sẽ được giảm lãi suất tối đa 1 điểm %/năm; riêng với cá nhân vay vốn phục vụ đời sống giảm tối đa 0,5 điểm %. Kể từ đầu năm đến nay thì đây là đợt giảm lãi suất lớn nhất của Vietcombank nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn của đại dịch Covid – 19 với quy mô khoảng 1.800 tỷ đồng.
Tương tự Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng công bố giảm lãi suất cho vay với 1 điểm %/năm cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đang có khoản vay tại ngân hàng thuộc các ngành nghề chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh như: du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng – khách sạn – nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế…; đồng thời tiếp tục ưu đãi hoặc miễn phí dịch vụ, cơ cấu nợ và điều chỉnh giảm khung lãi suất cho vay.
Phía TPBank cũng thực hiện giảm 0,5-1,2 điểm % lãi suất cho các khách hàng doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch bệnh với tổng dư nợ được nhận hỗ trợ lãi suất ước tính vào khoảng 18.188 tỷ đồng. Ngoài ra các khách hàng cá nhân cũng được xét giảm lãi suất 1 điểm % với tổng dư nợ gần 26.300 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hưng – Tổng Giám đốc TPBank cho biết lãi suất cho vay bình quân toàn danh mục cả ngắn và trung dài hạn giảm khoảng gần 3 điểm % so với năm trước, thuộc nhóm các ngân hàng có lãi suất cho vay khá thấp trong hệ thống.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) thì công bố giảm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu với mức tối đa 0,8%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 1%/năm cho khoản vay trung dài hạn. Theo đó ACB sẽ xét mức độ dịch bệnh tác động đến tình hình kinh doanh (doanh thu, lợi nhuận, số lượng lao động…) của các doanh nghiệp, thu nhập của khách hàng cá nhân và mức độ gắn kết của khách hàng để có mức giảm lãi suất phù hợp cho khách hàng đang vay. Những khách hàng thuộc đối tượng hưởng ưu đãi sẽ được ngân hàng xem xét điều chỉnh lãi suất khi hợp đồng vay đến hạn thay đổi lãi suất trong khoảng thời gian từ ngày 15/7 đến 15/10/2021. Ngoài ra ACB còn triển khai thêm gói vay ưu đãi 10.000 tỉ đồng với mức lãi suất tối thiểu 6%/năm cho doanh nghiệp và 7%/năm cho cá nhân từ nay đến hết ngày 31/10/2021.
Riêng Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) cũng đang có gói hỗ trợ quy mô 9.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi giảm đến 2 điểm %….
Như đã biết, đợt tái bùng phát dịch Covid – 19 lần thứ 4 đã đẩy nhiều doanh nghiệp đứng bên bờ vực thẳm. Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và hưởng ứng lời kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng, nhiều ngân hàng đã cam kết giảm thêm lãi suất cho vay bắt đầu từ tháng 7 này cho đến hết năm 2021 để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ngoài Agribank, Sacombank, ACB, nhiều ngân hàng khác cũng đang tính toán để giảm lãi suất cho vay với khách hàng khó khăn vì dịch Covid-19.
Bảo Việt