Thành phố Hồ Chí Minh căng mình chống dịch khi số ca nhiễm tăng mạnh
Thành phố Hồ Chí Minh đang có nguy cơ khủng hoảng về y tế khi đại dịch COVID-19 bùng phát tàn phá trung tâm chuỗi cung ứng và thương mại hàng hóa. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã họp khẩn hôm thứ Năm (15/7) kêu gọi sự thống nhất và huy động các nguồn lực để chống lại dịch bệnh trong thành phố.

“TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang diễn biến rất phức tạp về dịch bệnh”, Thủ tướng cho biết trong cuộc họp khẩn trực tuyến kết nối TP.HCM và các tỉnh lân cận phía Nam.
“Cần đánh giá kỹ hiện trạng, dự báo tình hình sắp tới để rút ra những bài học kinh nghiệm có thể nhân rộng, phổ biến và rút kinh nghiệm để làm tốt hơn nữa trong thời gian tới”, ông Chính nói với các cơ quan chức năng đại diện cho thành phố và các tỉnh lân cận phía Nam.
Cuộc họp khẩn được tổ chức khi Việt Nam chứng kiến mức tăng vọt lên 3.379 trường hợp mắc mới trên toàn quốc vào thứ Năm (15/7), trong đó TP.Hồ Chí Minh, phát hiện 2.691 trường hợp. Tỉnh Bình Dương ghi nhận 122 trường hợp, trong khi Đồng Nai phát hiện 132 trường hợp. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng làn sóng hiện nay ập đến cả nước vào ngày 27/4 đã ghi nhận tổng số 34.582 trường hợp mắc bệnh trên cả nước và đã có 100 người tử vong.
Tính riêng trong tuần này, cả nước ghi nhận 8.187 trường hợp mắc mới. Trong đó riêng TP. Hồ Chí Minh đã ghi nhận 6.338 trường hợp, tiếp theo là các tỉnh lân cận bao gồm Bình Dương với 458 trường hợp và Tiền Giang ghi nhận 280. Các trường hợp mới bao gồm 222 ca nhiễm ở Đồng Nai, 161 ca ở Đồng Tháp, 129 ca nhiễm ở Long An, 117 ca ở Khánh Hòa và 114 ca nhiễm ở Vĩnh Long.
Sự gia tăng số ca nhiễm này diễn ra khi Việt Nam đang phải vật lộn để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. Những người được tiêm ít nhất một liều vắc-xin COVID-19 ở Việt Nam chiếm tỷ lệ 4% trong tổng số 100 triệu dân.
Sau nhiều đợt bùng phát tại các nhà máy ở các tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, ngày 5/6, chính phủ đã phát động quỹ vắc xin trị giá 1,1 tỷ USD, với mục tiêu tiêm chủng sớm cho 70% dân số nhằm đạt miễn dịch cộng đồng vào năm sau.
“Nguy cơ bùng phát dịch là hiện hữu, ngay cả ở những nước đã đạt tỷ lệ bao phủ tiêm chủng cao. Biến thể delta có khả năng lây lan rất nhanh đã được ghi nhận ở 58/63 tỉnh và thành phố” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cảnh báo tại cuộc họp.
Nhiều ổ dịch đã xảy ra tại các chợ đầu mối, khu công nghiệp cũng như các khu dân cư đông đúc trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Hứa Quốc Hùng, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Thành phố Hồ Chí Minh (HEPZA) cho biết hôm thứ Sáu (16/7) rằng 1.837 trường hợp nhiễm COVID đã được phát hiện trong các cơ sở kể từ ngày 27 tháng 4. Các khu trọng điểm thuộc HEPZA (trong đó có Công viên Phần mềm Quang Trung và Khu Công nghệ cao) đang trong tình trạng cảnh giác cao độ vì đây là nơi tập trung các công ty công nghệ lớn như Samsung, Intel và Nidec. Hơn 1.000 doanh nghiệp có trụ sở tại các công viên và khu thuộc HEPZA với tổng số 274.000 công nhân.
Cả nước hiện cách ly 270.665 người, trong đó cách ly 3.564 người tại các cơ sở y tế, 77.435 người cách ly tại các cơ sở tập trung. Còn lại 189.666 người đang tự cách ly tại nhà.
Tại TP.HCM, các cơ quan chức năng đang chuẩn bị bổ sung thêm 5 bệnh viện dã chiến để đảm bảo thêm 50.000 giường bệnh do 19 bệnh viện dã chiến hiện có đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực y tế cũng như vật tư thiết bị. Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Số ca mắc mới đang tăng nhanh, đòi hỏi nhiều nhân lực hơn”. Thành phố đang thiếu nhân sự, vì trung bình 1.000 giường bệnh cần 200 nhân viên y tế, ông Thượng nói.
Trước tình hình đó, Bộ Y tế cho biết đến nay đã huy động một lực lượng 10.000 nhân viên y tế và tình nguyện viên để hỗ trợ TP.HCM. Bộ cũng ban hành hướng dẫn mới nhằm rút ngắn thời gian điều trị cần thiết cho bệnh nhân không có triệu chứng nhằm giảm bớt gánh nặng cho các cơ sở y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương.
Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước, năm 2020 thành phố chiếm 22,3% tổng sản phẩm quốc nội của cả nước và đóng góp 27,5% vào ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2011-2019.
Trong cuộc họp khẩn, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi sự phối hợp của các cơ quan chức năng để huy động các nỗ lực ngăn chặn “một cách nhịp nhàng và hiệu quả” để bảo vệ Thành phố Hồ Chí Minh.
Duy Lâm