Tăng trưởng kinh tế chậm lại, Trung Quốc có còn là “ngôi sao sáng” của châu Á và toàn cầu?

Với mức tăng trưởng ấn tượng hồi năm ngoái cùng các biện pháp chống dịch mạnh mẽ, Trung Quốc được kỳ vọng là “ngôi sao sáng” và là động lực tăng trưởng của toàn cầu thời kỳ hậu Covid-19. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, sự tăng trưởng bùng nổ của nền kinh tế lớn nhất châu Á đang có dấu hiệu chậm lại, thể hiện qua sự sụt giảm của các chỉ số kinh tế như: sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ, đầu tư….

Mới đây Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ra thông báo để hỗ trợ nền kinh tế, việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) 50 điểm cơ bản sẽ chính thức được áp dụng kể từ ngày 15/7 đối với tất cả các tổ chức tài chính, trừ những tổ chức đã nắm giữ tỷ lệ này ở mức 5%. Như vậy sau khi được điều chỉnh giảm, RRR bình quân đối với các tổ chức tài chính Trung Quốc sẽ ở mức 8,9%.

Thực tiễn cho thấy để giữ vững đà phát triển mạnh mẽ, một nền kinh tế lớn cần phải đảm bảo được tốc độ tăng trưởng thương mại ngoài biên giới. Mặc dù Trung Quốc đã gặt hái thành công trong công tác phòng chống dịch Covid-19 và ổn định nền kinh tế trong nước, tuy nhiên câu hỏi đặt ra ở đây là trong bối cảnh biến thể mới liên tục xuất hiện, liệu nền kinh tế lớn nhất châu Á có thể duy trì đà tăng trưởng này một cách lâu dài?

Hiện nay Hoa Kỳ, Nhật Bản, các quốc gia châu Âu…là những nước có tầm ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động thương mại của Trung Quốc. Đầu tiên là Hoa Kỳ, nếu như những tháng đầu năm nền kinh tế lớn nhất thế giới phục hồi tương đối tốt thì ở thời điểm hiện tại, Hoa Kỳ đang phải đối mặt với không ít thách thức trong việc triển khai tiêm vaccine ngừa Covid – 19 cho người dân. Điều này đồng nghĩa với ngay cả khi phục hồi trở lại, nền kinh tế Hoa Kỳ cũng khó đạt được tốc độ tăng trưởng như năm 2019.

Tại châu Âu – khách hàng chủ chốt của Trung Quốc, các đợt lây nhiễm liên tục xảy ra tại các quốc gia trong khối cũng đã tác động không nhỏ đến hoạt động thương mại của Trung Quốc. Còn tại Nhật Bản – nền kinh tế đứng thứ 2 châu Á, tăng trưởng kinh tế cũng đang có dấu hiệu chậm lại bất chấp kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn tăng mạnh trong những tháng đầu năm nay.

Trung Quốc từng được ví như “ngôi sao sáng”, là động lực tăng trưởng giai đoạn hậu Covid-19 của toàn cầu, hay ít nhất là của khu vực châu Á. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, sự phục hồi của Trung Quốc lại trở thành một nghi vấn lớn.

Trong những tháng còn lại của năm 2021, dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực suy giảm. Hôm mùng 10/7 vừa qua, tại cuộc họp ở Venice, các Bộ trưởng Tài chính từ Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) đã lên tiếng cảnh báo về rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó nhấn mạnh về những điều tiết của nền kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên áp lực suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc có thể phần nào ảnh hưởng đến vấn đề lạm phát. Thực tế trong tháng 6/2021, lạm phát tại Hoa Kỳ đã tăng mạnh với Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng được xem như một hồi chuông cảnh báo đối với thị trường toàn cầu.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nhiều khả năng trong thời gian tới Trung Quốc sẽ không còn là động lực tăng trưởng của toàn cầu như đã từng được đánh giá vào 6 tháng trước. Thay vào đó, động lực tăng trưởng của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam sẽ phụ thuộc đáng kể vào sự bùng nổ của nền kinh tế Hoa Kỳ.

Theo dự báo của hai công ty dịch vụ tài chính Allianz và Euler Hermes, chỉ riêng gói kích thích kinh tế vừa qua của Hoa Kỳ cũng sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 1,4% trong 2 năm tới và đạt mức cao thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Mexico. Điều này sẽ giúp Việt Nam bù đắp được những thiệt hại do đại dịch gây ra, đặc biệt là đối với ngành du lịch.

Hùng Dũng