Bộ Tài chính đề xuất giải pháp bình ổn thị trường thép nội

Nhằm hạ nhiệt giá thép trong nước đang trên đà tăng mạnh, tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020 về Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng thuế xuất khẩu phôi thép, đồng thời giảm thuế nhập khẩu một số loại sắt thép xây dựng

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua giá nguyên liệu sản xuất thép tăng cộng với sự phụ thuộc của ngành thép vào nguồn nguyên liệu từ bên ngoài đã đẩy giá thép xây dựng trong nước liên tục tăng cao ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân cũng như chi phí dự phòng của các dự án, đặc biệt các dự án đầu tư công. Ngoài ra giá thép xây dựng tăng mạnh cũng tác động không nhỏ đến chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế

Trước tình hình trên, nhằm góp phần hạ giá mặt bằng thép xây dựng cũng như tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ phương án điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phôi thép và mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) của một số loại sắt thép.

Cụ thể đối với thuế xuất khẩu, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế suất mặt hàng phôi thép (nhóm 72.06 và 72.07) từ 0% lên 5%; qua đó góp phần ổn định nguồn cung phôi thép cho thị trường trong nước, bình ổn giá trên thị trường, hạn chế xuất khẩu, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành thép trong dài hạn.

 Riêng đối với thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính đề xuất giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với một số mặt hàng thép đang chịu mức 15% hiện hành xuống 10%, mặt hàng thép có mức thuế 20% và 25% giảm xuống 15%. Theo phân tích của Bộ Tài chính, trong một thời gian dài thuế suất MFN của một số loại sắt thép xây dựng đã được áp dụng với mức tương đối cao, lên đến 15%, 20%, thậm chí là 25%; chính vì vậy việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với một số mặt hàng thép sẽ giúp giảm giá thép nguyên liệu đầu vào.

Cũng theo cơ quan soạn thảo, mặc dù việc điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng nêu trên sẽ gây thất thu ngân sách nhà nước nhưng mức ảnh hưởng được dự báo sẽ không quá lớn; một phần do nhu cầu nhập khẩu các loại sắt thép này không nhiều, hơn nữa đây đều là những loại thép doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được nên về cơ bản hoàn toàn có thể đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường nội địa.

 Điều quan trọng là việc điều chỉnh này sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước nhìn nhận lại năng lực bản thân; từ đó có sự đầu tư, đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm. Đây cũng chính là hướng đi chiến lược góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh của thép nội so với các sản phẩm thép nhập khẩu, qua đó góp phần bình ổn thị trường trong nước, tạo động lực thúc đẩy ngành thép phát triển bền vững.

Quốc Huy