Bị phong tỏa, doanh nghiệp điêu đứng vì thiếu nhân lực, sản xuất đình trệ

Trước tình hình lây lan dịch bệnh nghiêm trọng tại Khu chế xuất Tân Thuận, 29 doanh nghiệp trong Khu chế xuất có công nhân dương tính với SARS-CoV-2 đã bị phong toả, ngưng hoạt động. Trước quyết định trên, nhiều doanh nghiệp cho biết họ sẽ điêu đứng nếu bị phong tỏa dài ngày và bày tỏ muốn được hoạt động trở lại để hoàn tất đơn hàng, đảm bảo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động.

Sáng ngày 12/7, 4 trên tổng cộng 5 xưởng sản xuất của Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts Vietnam Inc đã bị phong tỏa. Ông Hoàng Xuân Thái – Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết 4 xưởng sản xuất bị phong tỏa sẽ khiến Furukawa Automotive Parts Vietnam bị chậm trễ trong việc giao hàng cho khách hàng.

Trước tình hình này, Công ty sẽ ưu tiên dồn lực cho phân xưởng duy nhất được phép sản xuất để đáp ứng các đơn hàng gấp. Tuy nhiên ông Thái cho biết dù có hoạt động hết công suất cũng khó có thể đáp ứng đầy đủ các đơn hàng cho khách.

Bên cạnh nỗi lo không thể giao hàng cho khách theo đúng thời gian hợp đồng, Furukawa Automotive Parts Vietnam còn gặp khó khăn về nguồn nhân lực khi nhiều công nhân đã bỏ về quê do lo sợ dịch bệnh; số khác đã tự nghỉ mà không thông báo với Ban quản lý sau khi nghe tin xưởng sản xuất bị phong tỏa. Tình hình này đặt công ty vào tình trạng thiếu hụt nhân công trầm trọng cả trong hiện tại lẫn tương lai. “Điều chúng tôi mong mỏi hơn cả chính là sự cảm thông và thấu hiểu của nhà chức trách. Ngoài ra trước khi có quyết định phong tỏa, cơ quan quản lý cần báo trước để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị cũng như đề ra phương án đối phó cụ thể, tránh tình trạng bị động như hiện nay” – ông Thái kiến nghị.

Đồng cảnh ngộ với doanh nghiệp trong Khu chế xuất Tân Thuận, nhiều doanh nghiệp ở các quận khác cũng đang lâm vào cảnh bị “đóng băng” chuỗi cung ứng khi có lệnh phong tỏa. Đại diện một doanh nghiệp may mặc chuyên phục vụ thị trường nội địa cho biết chuỗi cửa hàng tạm đóng cửa đẩy Công ty vào thế khó. Không tiêu thụ được nên doanh nghiệp này đang chuẩn bị đóng băng nhiều chuyền sản xuất tại quận 12. “Đầu ra không có nên dòng tiền bị âm, mất khả năng thanh toán đầu vào; cộng thêm việc đi lại và nguy cơ nhiễm bệnh cao nên các công nhân đang trong trạng thái hết sức lo lắng và sợ hãi. Bên cạnh việc truyền đạt thông tin, chúng tôi đang cố gắng tìm cách động viên tinh thần cho từng nhóm lao động riêng biệt. Thay vì chọn doanh thu, chúng tôi chọn cách giữ chân người lao động và xây dựng những nền tảng thiết yếu để sẵn sàng khởi động lại tốt nhất sau dịch” – vị đại diện này cho hay.

Là doanh nghiệp có số lượng người lao động lớn nhất Tp.HCM, hiện Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân) có tới hơn 33.000 công nhân tạm nghỉ việc khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong khâu sản xuất, trong khi đó có rất nhiều đơn hàng gấp cần phải giao. Mặc dù chưa thể thống kê thiệt hại cụ thể song ông Củ Phát Nghiệp – Chủ tịch Công đoàn Pouyuen cho biết doanh nghiệp này đang rất lao đao bởi số lao động nghỉ việc quá nhiều; số còn lại dẫu đến nhà máy nhưng lại không chịu làm việc và tâm lý đang rất hoang man, lo lắng. Thiếu nhân lực nên một số đơn hàng thời gian hoàn thành dài gấp 2-3 lần so với trước; nhiều nguy cơ Công ty phải bồi thường hợp đồng do chậm trễ giao hàng nếu không thoả thuận được với khách hàng. Phía Công đoàn Pouyuen Việt Nam đã kiến nghị với Ban lãnh đạo nhà máy đánh giá lại toàn bộ tình hình để có hướng tháo gỡ khó khăn trong những ngày tới.

Còn theo ông Trần Thiên Long – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp, khu chế xuất Tp.HCM (HBA), kết quả khảo sát trực tiếp của Hiệp hội cho thấy hầu hết doanh nghiệp đều có đơn hàng khá dồi dào, nếu bị phong tỏa dài ngày như hiện nay sẽ đẩy doanh nghiệp vào cảnh điêu đứng vì chuỗi sản xuất đứt gãy. Tất cả các doanh nghiệp hội viên HBA đều mong muốn được hoạt động trở lại và đề xuất phương án vừa làm việc vừa giãn cách ngay trong nhà máy. Điều này đồng nghĩa với toàn bộ hoạt động sản xuất và ăn ở của công nhân sẽ được thực hiện ngay tại Công ty và không di chuyển ra bên ngoài để tránh lây nhiễm.

Ông Long cho biết mặc dù HBA đang rất nỗ lực trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp song do Chỉ thị 16 của Tp.HCM về giãn cách xã hội quá khắt khe, đặc biệt trong tình hình dịch bùng phát mạnh đòi hỏi các doanh nghiệp phải đảm bảo đầy đủ các yếu tố do ban phòng chống dịch đưa ra (có khu ăn ở thoáng mát, hoạt động sản xuất trong nhà máy được đảm bảo và tuân thủ các nguyên tắc phòng dịch…) mới được hoạt động trở lại. “Trước lời cầu cứu của doanh nghiệp, HBA và đoàn công tác Thành phố vừa có cuộc khảo sát 29 doanh nghiệp bị phong tỏa ở Khu chế xuất Tân Thuận để xem xét tình hình thực tế. Sau một ngày khảo sát, kết quả cho thấy chỉ có khoảng 50% doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại và đủ điều kiện vừa sản xuất vừa ăn ở tại nhà máy; số còn lại điều kiện rất hạn chế. Còn tại Khu công nghệ cao Tp.HCM, số lượng doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại cũng tương tự” – ông Long thông tin

Huy Anh