Việt Nam và cơ hội vàng trong thu hút dòng vốn FDI từ châu Âu

Kể từ sau khi các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên hiệp Vương quốc Anh UKVFTA chính thức có hiệu lực, dòng vốn đầu tư từ các nước châu Âu đổ vào Việt Nam ngày càng nhiều. Dòng chảy này dự kiến sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, nhất là khi Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua Nghị quyết tạm dừng quá trình phê duyệt Hiệp định đầu tư toàn diện châu Âu – Trung Quốc (CAI) hôm 29/5 vừa qua

Theo ông Lê Anh Tuấn – Trưởng bộ phận nghiên cứu của công ty phân tích Dragon Capital, thương chiến Mỹ – Trung cộng với việc Hiệp định CAI bị tạm dừng sẽ trở thành động lực thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc, đặc biệt là các nhà đầu tư châu Âu vươn ra tìm kiếm điểm đến đầu tư mới thay thế Trung Quốc và Việt Nam được xem là một trong những lựa chọn hàng đầu.

Sau 31 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, châu Âu đã trở thành một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Cụ thể trong lĩnh vực thương mại, nhiều năm qua châu Âu luôn là một trong những đối tác thương mại hàng đầu và là thị trường trọng điểm của xuất khẩu Việt Nam. Theo số liệu của Ủy ban châu Âu, năm 2020 tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – châu Âu đạt 43,2 tỷ Euro (51,2 tỷ USD), đưa Việt Nam trở thành đối tác lớn thứ 15 của châu Âu về thương mại hàng hóa. Riêng trong quý I/2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu đạt trị giá khoảng 10 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Các đối tác xuất khẩu chính của Việt Nam tại thị trường châu Âu trong thời gian qua tập trung vào các thị trường truyền thống như Hà Lan, Đức, Pháp, Italia, Áo, Bỉ, Tây Ban Nha, Ba Lan và Thụy Điển.

Thương mại song phương nhiều khởi sắc song châu Âu lại đang đi sau các nền kinh tế lớn khác về đầu tư vào Việt Nam. Theo số liệu của châu Âu, tính đến năm 2019, vốn đầu tư của châu Âu vào Việt Nam chỉ đạt vỏn vẹn 6,1 tỷ Euro – con số khá khiêm tốn so với hơn 60 tỷ USD đầu tư tích lũy của Hàn Quốc và Nhật Bản. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam thu hút được 15,3 tỷ USD vốn FDI, trong đó chiếm đại đa số là vốn từ ba nhà đầu tư tích lũy lớn nhất tại Việt Nam (vốn từ Singapore đạt 5,64 tỷ USD, Nhật Bản đạt 2,44 tỷ USD, Hàn Quốc đạt 2,05 tỷ USD).

Trong vòng 10 năm trở lại đây, khoản đầu tư đáng kể của “gã khổng lồ” Samsung (Hàn Quốc) đã biến công ty con của họ trở thành công ty có lợi nhuận cao nhất tại Việt Nam và đưa Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ hai, chỉ sau Mỹ. Cùng với Samsung, Apple và Foxconn cũng đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, bao gồm cả khoản cam kết bổ sung 700 triệu USD trong năm nay. Còn với các quốc gia thuộc châu Âu, thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy tính đến tháng 5, lũy kế vốn FDI từ Hà Lan đạt 10,3 tỷ USD, lớn hơn của Mỹ với 9,6 tỷ USD. Tuy nhiên Pháp, Đức, Luxembourg, Thụy Sĩ và Bỉ hiện chỉ được xếp hạng lần lượt là các nhà đầu tư lớn thứ 16, 17, 18, 20 và 22 tại Việt Nam.

Theo phân tích cực Cơ quan truyền thông Đức (DW), những năm qua sự gia tăng đầu tư của châu Âu vào Việt Nam vẫn không đồng đều. Từ nửa đầu năm 2020 đến nửa đầu năm 2021, nguồn vốn FDI của Đức tại Việt Nam tăng 7,6% so với cùng kỳ, từ 2,08 tỷ USD lên 2,24 tỷ USD; tương tự nguồn vốn FDI của Bỉ tăng 6,4%, Hà Lan tăng 1%, Pháp tăng 1,2%, Luxembourg tăng 0,6%. Trong khi đó nguồn vốn FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam tăng 5,5% so với cùng kỳ, của Nhật Bản tăng 4,9%.

Tuy nhiên tất cả các dấu hiệu trên đều cho thấy Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để tăng cường thu hút dòng vốn FDI từ châu Âu. Dữ liệu mới nhất do Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam công bố vào tháng 2 cho thấy phần lớn các doanh nghiệp châu Âu đánh giá cao triển vọng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, với 48% doanh nghiệp được khảo sát dự đoán hoạt động kinh doanh là “xuất sắc” hoặc “tốt”, đánh dấu sự gia tăng đáng kể so với điểm số vào năm 2020. Trong quý II/2021, Việt Nam cũng đã ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ với GDP tăng 6,61% so với cùng kỳ năm ngoái, một dấu hiệu cho thấy trong năm nay tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước hình chữ S hoàn toàn có thể trở lại mức trước đại dịch.

Ngoài ra thành công của Việt Nam trong việc ký kết một loại các hiệp định thương mại và đầu tư (Hiệp định EVFTA; Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam – châu Âu (EVIPA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)…cũng sẽ góp phần kiến tạo một môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh cho các nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam. Tuy nhiên để tận dụng và khai thác các lợi thế này, thúc đẩy đầu tư hiệu quả đòi hỏi cả Việt Nam lẫn châu Âu đều phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Việt Nam có được hưởng lợi từ điều này hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách Việt Nam có thể làm cho mình trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư châu Âu và chúng ta đang nỗ lực hết mình để làm điều đó. Ngoài ra nếu việc phê chuẩn EVIPA được thực hiện nhanh chóng và hiệp định có hiệu lực sớm cùng với Hiệp định EVFTA cũng sẽ mang lại cho Việt Nam những lợi thế vượt trội trong thu hút dòng vốn FDI của châu Âu. Ngược lại nếu thỏa thuận nào đó bị đình trệ như Hiệp định CAI đồng nghĩa với Việt Nam sẽ đánh rơi cơ hội vàng để giành thêm các khoản đầu tư từ châu Âu.

Như Anh