G20 cảnh báo các biến thể COVID-19 đe dọa sự phục hồi toàn cầu

Bộ trưởng tài chính của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới cảnh báo sự bùng nổ của các biến thể COVID-19 mới và khả năng tiếp cận vắc xin kém ở các nước đang phát triển đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Cuộc họp của G20 tại thành phố Venice của Italy là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên của các bộ trưởng kể từ khi bắt đầu đại dịch. Các bộ trưởng đã tán thành các quy tắc mới nhằm ngăn chặn các công ty đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang các thiên đường thuế thấp. Điều đó mở đường cho các nhà lãnh đạo G20 hoàn tất mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu mới là 15% tại hội nghị thượng đỉnh ở Rome vào tháng 10, một động thái có thể thu về hàng trăm tỷ đô la cho các kho bạc nhà nước đang căng thẳng trong cuộc khủng hoảng COVID-19.
Một thông cáo cuối cùng cho biết triển vọng kinh tế toàn cầu đã được cải thiện kể từ các cuộc đàm phán G20 vào tháng 4 nhờ vào việc triển khai vắc xin và các gói hỗ trợ kinh tế, nhưng thừa nhận sự mong manh của các biện pháp đó khi đối mặt với các biến thể như Delta lây lan nhanh.
Thông cáo có đoạn: “Sự phục hồi này vẫn có khác biệt lớn giữa và trong các quốc gia và hiện vẫn có nguy cơ tiềm ẩn, đặc biệt là sự lây lan của các biến thể mới của COVID-19 và các giai đoạn tiêm chủng khác nhau”.
Mặc dù các quốc gia G20 hứa sẽ sử dụng tất cả các công cụ chính sách để chống lại COVID-19, nhưng nước chủ nhà Italy cho biết các nước cũng đã có thỏa thuận để tránh áp đặt các hạn chế mới đối với người dân. Thông cáo này, mặc dù nhấn mạnh sự ủng hộ đối với việc “chia sẻ công bằng trên toàn cầu”, đã không đề xuất các biện pháp cụ thể, mà chỉ ghi nhận khuyến nghị tài trợ cho vắc xin mới trị giá 50 tỷ USD của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Thương mại Thế giới. Sự khác biệt về mức độ tiêm chủng giữa người giàu và người nghèo trên thế giới vẫn còn rất lớn.
Trong khi một số quốc gia giàu có nhất hiện đã tiêm cho hơn 2/3 công dân của họ ít nhất một mũi vắc xin, con số này chỉ ở mức dưới 5% đối với nhiều quốc gia châu Phi.
Italy cho biết G20 sẽ quay lại vấn đề tài trợ vắc xin cho các nước nghèo trước thềm hội nghị thượng đỉnh ở Rome vào tháng 10 và rằng các biến thể mới là một vấn đề cần được xem xét.
Tổ chức phát triển tôn giáo Jubilee USA Network cho biết: “Chúng ta phải đồng ý về một quy trình để tất cả mọi người trên hành tinh có thể tiếp cận vắc xin. Nếu không, IMF dự đoán nền kinh tế toàn cầu sẽ mất 9 nghìn tỷ USD”. Trước đó, IMF dự báo rằng hợp tác quốc tế về vắc xin COVID-19 có thể đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế thế giới và thêm 9 nghìn tỷ USD vào thu nhập toàn cầu vào năm 2025.
Quang Anh