AirAsia mua lại mảng kinh doanh của Gojek tại Thái Lan

AirAsia đang nhắm đến việc sử dụng mạng lưới mạnh mẽ của mình tại Thái Lan để tăng tốc độ phát triển của Gojek tại quốc gia này và đưa dịch vụ vốn đang thua lỗ này tiến vào con đường đạt lợi nhuận trong vòng một năm thông qua việc mở rộng tại quốc gia này, bắt đầu với ba tỉnh trọng điểm trong quý IV.

Kế hoạch của tập đoàn là tăng doanh thu từ các dịch vụ kỹ thuật số lên 50% trong vòng 5 năm, điều này sẽ trở nên dễ dàng hơn sau khi họ đồng ý mua lại Gojek Thái Lan từ gã khổng lồ vận chuyển của Indonesia thông qua một thương vụ cổ phần trị giá 50 triệu đô la Mỹ (1,61 tỷ baht).

Giám đốc điều hành Tập đoàn AirAsia có trụ sở tại Malaysia, Tony Fernandes, cho biết các cuộc đàm phán giữa AirAsia và Gojek đã bắt đầu cách đây hai tháng và vừa hoàn tất gần đây. Thỏa thuận này sẽ cho phép Gojek chuyển các nguồn lực và dịch vụ của mình tại Thái Lan cho airasia Digital – một chi nhánh liên doanh của Tập đoàn AirAsia – vào đầu tháng 8 và đổi thương hiệu từ Gojek thành AirAsia.

Ông nói thêm rằng khi tập đoàn tiếp quản Gojeck Thái Lan, họ đã coi động thái này là cơ hội thích hợp để tận dụng bí quyết từ Gojek và tích hợp nó với thương hiệu mạnh hơn nhiều của AirAsia, đồng thời mở rộng sang lĩnh vực giao đồ ăn và dịch vụ fintech. Tập đoàn này chọn Thái Lan vì quốc gia này là thị trường lớn ngoài Malaysia. Công ty tự tin rằng họ sẽ giúp phát triển các dịch vụ mà Gojek đã xây dựng và mở rộng ra các tỉnh khác ngoài Bangkok, bắt đầu với Phuket, Chiang Mai, Hat Yai, những nơi đã có sự hiện diện mạnh mẽ. Khoản đầu tư sẽ được hoàn tất thông qua một thỏa thuận cổ phần, theo đó Gojek sẽ nhận được 4,76% cổ phần trong SuperApp của AirAsia – một trong ba mảng kinh doanh kỹ thuật số chủ chốt của airasia Digital, nơi cung cấp nền tảng cho các sản phẩm du lịch và phong cách sống. Bên cạnh thương vụ mua lại này, tập đoàn AirAsia đã tăng cường nỗ lực để có được vị thế vững chắc hơn đối với các doanh nghiệp kỹ thuật số bằng cách đăng ký giấy phép ngân hàng kỹ thuật số ở Malaysia vào tuần trước khi BigPay – một công ty fintech với 1,2 triệu người dùng – cũng là một trong ba công ty trực thuộc đơn vị kỹ thuật số.

Ông Fernandes cho biết: “Theo thỏa thuận này với Gojek, chúng tôi cũng đã có được giấy phép để vận hành các dịch vụ fintech ở Thái Lan thông qua GoPay, một sự mở rộng đầy tham vọng khác mà chúng tôi đang để mắt tới tại quốc gia này. Giám đốc điều hành Gojek, Kevin Aluwi, cho biết công ty hiện có thể tập trung vào việc mở rộng tại Việt Nam và Singapore. Anantaporn Lapsakkarn, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn, cho biết thương vụ mua lại này đã mở đường cho AirAsia tìm lối tắt vào các doanh nghiệp kỹ thuật số và khách hàng, thương gia và tài xế trên nền tảng của mình thay vì xây dựng nó từ đầu. Ông nói, thỏa thuận này sẽ “kích hoạt sự cạnh tranh của các siêu ứng dụng” trong nước. Thỏa thuận này cũng tạo ra một cách để hãng hàng không thâm nhập vào phân khúc giao đồ ăn và đặt xe, hỗ trợ đa dạng hóa kinh doanh và nguồn doanh thu cho AirAsia.

Về mảng kinh doanh giao đồ ăn tại Thái Lan, Grab vẫn đang thống trị thị trường trong khi Gojek thường xuyên đổi tên – từ Get thành Gojek rồi đến ứng dụng AirAsia – điều có thể gây nhầm lẫn cho người dùng. Việc mua lại này sẽ khuyến khích các công ty từ các lĩnh vực khác cung cấp nhiều dịch vụ hơn phù hợp với khái niệm siêu ứng dụng.

Thành Nam