Sự bùng nổ nhà ở ở Anh có thể làm trật bánh giấc mơ thương mại hậu Brexit

Lịch sử cho thấy giá nhà ở Anh tăng có thể đe dọa hy vọng tăng trưởng nhờ xuất khẩu hậu Brexit, nếu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak sử dụng thị trường nhà ở để thúc đẩy nền kinh tế như những người tiền nhiệm của ông đã làm.

Đượ thúc đẩy bởi chính sách giảm thuế mua bất động sản và nhu cầu mua nhà lớn hơn do nhiều người làm việc tại nhà hơn trong đại dịch, giá nhà đang tăng với tốc độ hàng năm nhanh nhất – ở mức 13,4% vào tháng 6 – kể từ năm 2004, theo công ty cho vay Nationwide cho biết.

Thị trường nhà ở có vị trí quan trọng ở Anh như một động lực của sự giàu có. Nếu được điều chỉnh theo lạm phát, giá nhà ở Anh đã tăng kể từ năm 1980 hơn hầu hết các nền kinh tế tiên tiến khác, theo Ngân hàng Trung ương Anh.

Mặc dù mối liên hệ giữa thị trường bất động sản trong nước và thương mại quốc tế có vẻ không rõ ràng, nhưng trong 50 năm qua đã có một mối quan hệ nghịch đảo đáng tin cậy giữa giá nhà và sự đóng góp của thương mại vào tăng trưởng kinh tế, theo tính toán của Reuters.

Một mặt, thị trường nhà ở bùng nổ giúp thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng và chi tiêu hộ gia đình, thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu, làm tăng lực cản đối với nền kinh tế từ thương mại ròng.

Điều đó làm tăng thêm sự phụ thuộc của Anh vào các nhà đầu tư nước ngoài để tài trợ cho thâm hụt cán cân thanh toán của mình. Balazs Egert, nhà kinh tế cao cấp từ Tổ chức Điều phối và Phát triển Kinh tế, cho biết mối liên hệ này tương tự như “căn bệnh Hà Lan” – tức mối quan hệ nhân quả rõ ràng giữa sự gia tăng phát triển kinh tế của một lĩnh vực cụ thể và sự suy giảm trong các lĩnh vực khác. Nhà kinh tế Egert cho biết: “Nhìn vào những năm 1990 và 2000, nếu lĩnh vực xây dựng và bất động sản đang bùng nổ, thì chắc chắn chúng không giúp ích được nhiều cho … lĩnh vực sản xuất”.

Những thay đổi về tỷ lệ công nhân xây dựng trong lực lượng lao động của Anh song hành cùng với sự tăng trưởng giá nhà. Cuối những năm 1980 và giữa những năm 2000 đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng nhanh nhất của cả hai. Ngược lại, sự sụt giảm trong dài hạn của tỷ trọng việc làm trong lĩnh vực sản xuất đã tăng nhanh trong thời kỳ giá nhà tăng cao.

Bộ trưởng Sunak đã cố gắng thúc đẩy đầu tư của các nhà sản xuất bằng chính sách “siêu khấu trừ” cho phép các công ty cắt giảm hóa đơn thuế lên tới 25 pence cho mỗi 1 pound đầu tư cho đến tháng 3 năm 2023. Liên đoàn Công nghiệp Anh cho biết Anh phải giúp đỡ nhiều hơn để khắc phục các vấn đề chuỗi cung ứng toàn cầu và tình trạng thiếu lao động đã trở nên trầm trọng hơn bởi Brexit. Sunak hy vọng ông có thể tránh được những mô hình của quá khứ khi nói đến việc tái cân bằng nền kinh tế của Anh. Vào năm 2013, khi chính phủ đưa ra các khoản trợ cấp ‘Trợ giúp để Mua’ cho người mua nhà và nhắm tới xuất khẩu 1 nghìn tỷ bảng Anh (1,4 nghìn tỷ USD) vào năm 2020, rủi ro của việc lạm phát quá mức thị trường là rõ ràng. Giá nhà tăng vọt và xuất khẩu giảm khoảng 283 tỷ bảng so với mục tiêu – ngay cả khi giá trị của đồng bảng Anh sau Brexit giảm mạnh. “Chúng ta vẫn đang lặp lại những sai lầm tương tự”, cựu bộ trưởng tài chính Alistair Darling cảnh báo vào thời điểm đó.

Nhật Anh