Châu Á đang đối mặt tương lai khó khăn do COVID-19

Singapore, một trung tâm tài chính với 5,7 triệu dân, đang dần chuẩn bị cho cuộc sống sau đại dịch, khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên, các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng và người dân một lần nữa dám mơ về du lịch giải trí.

Cách đó một chuyến phà ngắn, quần đảo Indonesia rộng lớn với dân số 270 triệu người đang phải vật lộn để có được oxy, các ca mắc COVID-19 hàng ngày vẫn trên 20.000 ca và số người chết đã vượt quá 60.000 người.

Số phận khác nhau của Singapore và Indonesia – và trên thực tế, nhiều quốc gia khác trên khắp châu Á – chứng minh rằng bất kỳ sự phục hồi kinh tế nào ở khu vực này đều có nguy cơ khiến hàng trăm triệu người bị bỏ lại phía sau. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo châu Á sẽ tăng trưởng 7,6% trong năm nay, được thúc đẩy bởi các nền kinh tế thịnh vượng như Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore, cùng với Trung Quốc. Ngược lại, những nơi như Indonesia, Philippines và Malaysia, sẽ bị cản trở bởi sự thất bại dai dẳng của họ trong việc ngăn chặn dịch bệnh. Indonesia hiện là điểm nóng COVID-19 ở Đông Nam Á. Tỷ lệ nhập viện của bệnh nhân đã vượt quá 90% ở Jakarta, trong khi các lều trại được dựng bên ngoài bệnh viện và các căn hộ được chuyển thành các khu biệt lập. Tuần trước, Tổng thống Joko Widodo đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt đối với Java và Bali, những hòn đảo chiếm hơn một nửa nền kinh tế nghìn tỷ đô la của đất nước, ngay lúc Bali chuẩn bị chào đón du khách quốc tế. Ông Jokowi từ lâu đã phản đối việc phong tỏa quy mô lớn để ủng hộ các biện pháp mang tính địa phương hơn. Kể từ đó, ông đã phải cân nhắc lại khi số ca tử vong tăng lên mức kỷ lục và các ca mắc bệnh tăng vọt. Các quan chức cảnh báo mức tăng đột biến có thể tiếp tục.

Phần lớn các khu vực rộng lớn của châu Á vẫn đang bị kẹt trong trận chiến chết người với COVID-19. Việc phục hồi du lịch dường như là một điều xa xỉ khi số ca mắc hàng ngày lên tới hàng chục nghìn người và tỷ lệ tiêm chủng vẫn rất thấp.

Đối với Indonesia và Philippines, các vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn bởi các thành phố đông dân cư và các đảo chính đang bị quá tải. Malaysia đã ở trong tình trạng khẩn cấp kể từ tháng 1. Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy chưa đến 10% người dân ở Indonesia, Philippines, Thái Lan và Malaysia được tiêm chủng đầy đủ.

Khi Bộ trưởng Y tế Singapore cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Straits Times vào tuần trước rằng việc đi lại không kiểm dịch có thể được khôi phục vào cuối năm nay, ông đã trích dẫn Mỹ và hầu hết châu Âu là ví dụ về các điểm đến tiềm năng. Ông nói rõ rằng các nhà chức trách phải tin rằng tỷ lệ tiêm phòng cao và số lượng ca mắc đang giảm. Tuy nhiên, rất khó nhìn thấy tương lai tươi sáng tại bất cứ nơi nào ở Indonesia, chứ đừng nói đến Bali. Với khoảng 60% thương mại là diễn ra giữa các nước láng giềng, châu Á hiện quá liên kết với nhau, điều khiến họ chưa thể ăn mừng những chiến thắng COVID-19 ở từng khu vực độc lập.

Nhật Anh